Ngày trả giá của kẻ lừa bán bạn thân sang Campuchia
Thứ hai, 20/02/2023 07:00
Ngày trả giá của kẻ lừa bán bạn thân sang Campuchia
Phía sau lời mời chào mật ngọt việc nhẹ lương cao là hàng loạt câu chuyện đau lòng của những nạn nhân sập bẫy, bị các đường dây buôn người bán vào sòng bài, bị hành hạ, tra tấn. Thực tế nhiều gia đình phải gửi tiền để chuộc người thân, nhưng cũng có trường hợp bỏ mạng ở xứ người...
Từ bị hại đến lừa bán bạn thân
Thông tin từ Công an Thanh Hóa, trong năm 2022, cơ quan điều tra đã khởi tố 18 vụ án, 27 đối tượng về hành vi đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, trong đó có 8 vụ, 10 đối tượng đưa người sang Campuchia. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra, truy tố 11 vụ, 19 đối tượng, đưa ra xét xử 8 vụ, 11 đối tượng.
Điển hình, ngày 23/6/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tạm giam đối tượng Trần Ngọc Chung (SN 2003), trú tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn về tội “tổ chức, môi giới cho người trốn đi nước ngoài trái phép”.
Trần Ngọc Chung từng sang Campuchia làm việc tại casino. Để lừa người Việt bán sang Campuchia cho các sòng bạc, Chung đã sử dụng tài khoản Facebook nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người quen để lôi kéo.
Để thuyết phục được các nạn nhân, Chung đã nói dối là đi làm với hắn “việc nhẹ, lương cao”, nhưng trên thực tế công việc nặng nhọc và vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Với chiêu trò trên, Chung đã đưa 4 người có địa chỉ tại TP Sầm Sơn vượt sông qua biên giới tại tỉnh Long An sang Campuchia làm việc vào ngày 1/3/2022.
Sau khi đưa các nạn nhân sang Campuchia, Chung đã bán cho một công ty với giá 650 USD/người để làm việc tại các sòng bạc. Sau khi đã hoàn tất việc mua bán người, Chung bỏ mặc các nạn nhân ở lại, còn hắn về nước.
Trong số các nạn nhân mà Chung lừa có N.V.C (SN 2003), trú phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. C. từng là bạn thân của Chung. Khoảng tháng 2/2022, Chung đang làm việc tại Campuchia có nhắn tin về cho C. hỏi thăm và biết C. đang ở nhà không có việc làm. Chung đã rủ bạn sang làm việc (chỉ gõ máy tính), lương tháng 500 USD/tháng.
Tin tưởng bạn thân, C. đã đồng ý đi làm cùng. Đầu tháng 3/2022, Chung gọi điện báo cho C. và bảo ra một quán internet ngồi chờ. Tại đây C. đã gặp thêm 3 người khác (cùng ở Sầm Sơn) đang ngồi chờ để được sang Campuchia làm việc theo sự sắp xếp của Chung.
Khi sang tới nơi, C. và 3 người cùng quê bị Chung bỏ mặc làm việc, rồi Chung bỏ về nước.
Làm được hơn 1 tháng, tại đây xảy ra việc một nhân viên bị tử vong, Cảnh sát Campuchia đã đến điều tra sự việc. Ngày 29/4, C. và những người ở đây được Đại sứ quán Việt Nam giải cứu và đưa qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để trở về nước.
Cảnh báo về cạm bẫy
Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có 2.681 người cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài, trong đó có 222 người tại Campuchia.
Điểm chung của những người bị lôi kéo xuất cảnh trái phép đi làm việc tại Campuchia và Lào là đều bị các đối tượng tiếp cận trên không gian mạng, đưa ra những điều kiện lý tưởng để lôi kéo.
Sau khi đưa người qua biên giới, người lao động sẽ bị bán vào các sòng bài hoặc cơ sở phi pháp trá hình.
Những người xuất cảnh trái phép thường giấu kín việc làm của mình kể cả với người thân nên công tác nắm tình hình của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại cho biết, Công an tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã chỉ đạo các lực lượng công an thực hiện các biện pháp để ngăn chặn hoạt động xuất cảnh trái phép. Đồng thời cũng khuyến cáo đến người dân không nên nghe lời xúi giục lôi kéo để xuất cảnh trái phép. Kịp thời tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất cảnh trái phép.
Những người xuất cảnh trái phép đi làm việc ở nước ngoài đều có mục đích tìm việc làm đem lại thu nhập. Tuy nhiên, xuất cảnh trái phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn chứa đựng vô vàn rủi ro và cạm bẫy.
Đa số các nạn nhân đều bị các đối tượng có mối quan hệ quen biết, thông qua mạng xã hội rủ rê, lôi kéo sang Campuchia làm việc với những lời mời chào hấp dẫn. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm tới đều là những thanh niên trẻ, khỏe, không có việc làm ổn định, ham chơi, biết sử dụng sơ bộ về máy tính… để nạn nhân dễ dàng sập bẫy.
Các đối tượng môi giới ban đầu thường tổ chức cho các nạn nhân sang từ trước ăn chơi, làm việc trong những nơi sang trọng, điều kiện làm việc tốt để chụp ảnh, quay phim gửi cho những con mồi và “vẽ” ra viễn cảnh công việc bên Campuchia nhẹ nhàng (làm việc trên máy tính, điện thoại) với mức lương từ 700 đến 1.000 USD/tháng và công ty sẽ chi trả toàn bộ chi phí xuất cảnh...
Để ngăn chặn kịp thực trạng trên, Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã có văn bản yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép, lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến.