Nghỉ việc vì tồn tại như 'người vô hình' nơi công sở
Thứ tư, 22/03/2023 12:21
Nghỉ việc vì tồn tại như 'người vô hình' nơi công sở
Tồn tại như "người vô hình"
"Ở công ty, em luôn cảm thấy mình đứng ngoài mọi cuộc "tám chuyện" của mọi người. Đôi khi, em cứ ngỡ mình là "người vô hình" vì sự tồn tại của em không ảnh hưởng gì đến cục diện chung.
Mỗi sáng đến văn phòng, em vào chỗ của mình, cắm đầu cắm cổ giải quyết công việc. Không ai rủ em cùng đi ăn trưa, cũng không ai hỏi han nếu như hôm đó em nghỉ phép", Lê Thương (23 tuổi, làm việc tại TPHCM) tâm sự trong tiếng thở dài.
Ra trường, Thương chọn ở lại thành phố để tìm kiếm công việc với mong muốn bản thân có thể phát triển năng lực. Sau cùng, cô chọn vị trí nhân viên văn phòng, mức thu nhập khá ổn so với bạn bè cùng trang lứa.
Vốn là một cô gái sống khá độc lập, hiếm khi chia sẻ cuộc sống cá nhân trên mạng xã hội, Thương cho rằng, môi trường công sở với số lượng nhân viên không quá nhiều sẽ là chỗ lý tưởng cho cô. Nhưng dường như, mọi thứ vượt xa sức tưởng tượng.
Phòng làm việc của Thương có tổng cộng 12 người. Dường như mọi người làm việc với tinh thần "đời ai nấy sống, việc ai nấy làm", nên rất ít khi có các cuộc tụ tập sau giờ tan sở.
Cô gái trẻ kể tiếp: "Ban đầu em cảm thấy cuộc sống công sở như vậy phù hợp với tính cách của em. Nhưng rồi, sau đó em vô tình phát hiện, không phải mọi người không quan tâm nhau mà họ tách em ra khỏi các nhóm trò chuyện nội bộ, em cũng không hiểu lý do tại sao.
Khoảng nửa năm nay, em có cảm giác mình như một "bóng ma chốn công sở" vậy. Các công việc sẽ được trao đổi thông qua các ứng dụng, trừ khi họp, bằng không dường như em chẳng có chuyện gì để nói cùng đồng nghiệp.
Chủ đề trò chuyện của các đồng nghiệp thường liên quan đến con cái, gia đình, nên em thấy mình không cùng tần số với họ.
Em đến văn phòng cũng được, mà vắng mặt cũng chẳng ai nhận ra. Nhiều lần em có ý định nghỉ việc, nhưng thú thật, em tiếc mức thu nhập.
Mặc dù hàng ngày, em đi làm và gặm nhấm nỗi cô đơn ngay chính nơi làm việc của mình. Em đã cố gắng để hòa nhập, mua đồ ăn vặt và tham gia vào các câu chuyện của đồng nghiệp, nhưng mọi người có vẻ không thích em cho lắm".
Đỉnh điểm, trong một lần chị đồng nghiệp để quên đồ ở ngoài cửa hàng cà phê nhưng lại nói bóng gió rằng thủ phạm có thể là Thương. Đáng ngạc nhiên, trong văn phòng không có một ai đứng ra bênh vực cô. Thương khóc lóc trong sự uất ức. Mãi đến khi cô quyết định nghỉ việc rồi mới được "rửa oan".
Thế mới thấy, nếu bị cô lập và "chết chìm" trong sự cô đơn ở chốn công sở thì rất khó để phát triển sự nghiệp.
Công nghệ khiến khoảng cách giữa đồng nghiệp xa vời vợi
Bước vào thị trường lao động được hơn 5 năm, Bích Hường (28 tuổi, làm việc tại Bắc Ninh) vẫn rơi vào trạng thái cô đơn nơi công sở.
Nhiều lúc công việc gặp trắc trở, Hường khó tìm kiếm được sự giúp đỡ, chỉ dạy từ đồng nghiệp.
"Công việc của mình khá đặc thù và thường tiền hoa hồng sẽ tính cho từng cá nhân. Bởi thế, khoảng cách giữa mình và đồng nghiệp cùng bộ phận cũng ngày càng xa cách, khó có thể thân thiết.
Có lần mình ốm nên làm việc tại nhà, có tài liệu cần xử lý nhưng lại không biết nhờ ai mở máy tính ở văn phòng để gửi cho mình, vì cơ bản mình không tin tưởng bất cứ ai", Hường nhớ lại.
Ngoài các nhóm trò chuyện liên quan đến công việc thì cô không biết gì về cuộc sống thực tế của đồng nghiệp và ngược lại.
Các công cụ hỗ trợ giao tiếp trong văn phòng đã vô tình làm giảm đi thời gian trao đổi, trò chuyện trực tiếp của mọi người. Dần dần, thế giới nơi công sở của Hường chỉ có công việc, không có bạn bè. Cô đơn cũng vì thế mà bắt đầu len lỏi.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, Hường kết luận: "Có lẽ cảm giác cô đơn nơi công sở xuất phát từ chính bản thân mình. Mình không cởi mở chia sẻ để hòa nhập cùng mọi người, cộng thêm sự hỗ trợ của công nghệ khiến mình "lười" trao đổi trực tiếp. Nếu tiếp tục như vậy, mình e là bản thân sẽ càng cô đơn".
Mặc dù cần thời gian để thay đổi mọi thứ và vượt qua "căn bệnh" cô đơn, song, sự nhìn nhận tích cực vào thực tế đã giúp Bích Hường biết được bản thân cần làm những gì. Cô hiểu, chỉ khi bản thân rộng lòng chia sẻ thì người khác cũng sẽ thoải mái đón nhận bạn.
Thay vì để cô đơn trở thành "bệnh" nơi công sở, người trẻ phải sửa đổi chính mình trước.
"Cô lập thầm lặng" ảnh hưởng đến hiệu suất công việc
Falguni Bhuta, phát ngôn viên của Kahoot - một công ty giáo dục ở San Francisco (Mỹ) tiết lộ, 58% nhân viên thừa nhận rằng họ nắm rõ những kiến thức và thông tin có thể mang lại lợi ích cho đồng nghiệp nhưng không muốn chia sẻ những thông tin đó. Báo cáo Văn hóa Nơi làm việc của Kahoot cho biết, Gen Z thuộc top đầu không chia sẻ thông tin - tỷ lệ 77%.
Bhuta cho biết thêm: "Nhiều hệ sinh thái doanh nghiệp đang trở nên phức tạp hơn do công nghệ ngày càng phát triển, vì vậy các vị trí công việc cũng chuyên biệt hơn. Cùng với sự gia tăng của sự phân tán lực lượng lao động và mô hình làm việc kết hợp cũng như từ xa trong thời gian dài, các nhóm nhân viên sẽ thiếu đi sự kết nối với nhau".
Theo Bhutan, khi các thành viên trong cùng một nhóm không làm việc với nhau và chia sẻ thông tin, kiến thức, các công ty sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đối với hiệu quả và năng suất.
Điều này không chỉ dẫn đến sự phối hợp kém, thiếu nhất quán mà còn hạn chế tiềm năng sáng tạo và đề xuất ý tưởng mới cũng như khả năng giải quyết vấn đề phát sinh mà chỉ có thể phát sinh từ sự hợp tác hiệu quả.
John Coleman - chuyên gia về văn hóa nơi làm việc ở Atlanta và là tác giả của cuốn sách "Trình bày thuyết phục" đưa ra lời khuyên: "Các công ty nên khen thưởng những người biết chia sẻ thông tin cho mục đích chung và văn hóa tích cực, đồng thời có những hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi "cô lập thầm lặng".
Các chuyên gia cho rằng, nếu một nhân viên nắm giữ thông tin giúp ích cho đồng nghiệp của họ nhưng lại chọn không chia sẻ thông tin đó thì năng suất của toàn công ty có thể bị ảnh hưởng.
Theo Dân trí