Nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên ven sông Lô, sao tàu thủng mãi thế?
Thứ hai, 03/04/2023 06:30
Nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên ven sông Lô, sao tàu thủng mãi thế?
Chất hóa học sao được tập kết lộ thiên?
Bạn đọc Thu Bạch Hạc cho rằng, “tỉnh Phú Thọ cần kiểm tra bởi bao năm nay tôi đi qua cầu Việt Trì thấy cảnh này suốt” và đặt câu hỏi “không lẽ tàu thủng mãi thế?”.
Đồng tình với quan điểm này nhiều bạn đọc cho rằng, đây là: “Chuyện thường ở phường. Bao năm nay rồi, đi qua mùi hắc khó thở.
Bãi to chình ình thế, xe thuyền chở, xe cẩu xúc, dân còn thấy sao chính quyền không hay biết?. Giữa trung tâm của một tỉnh mà để cảnh dân sống lao đao vì ô nhiễm. Chất hóa học mà sao lại có thể được tập kết vô tư vậy? Ngay gần đó có các nhà dân cư ở. Cảnh sát môi trường ở đâu, sao lúc cần lại không thấy?”.
“Gần 2.000 tấn chứ có phải ít đâu. Chất độc hại này phát tán ra môi trường thì sao?. Họ tập kết hóa chất vậy có xin phép ai không? Một lượng lớn như vậy không thể nói chính quyền địa phương không biết được”, bạn đọc Văn Hải viết.
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước sự buông lỏng của chính quyền địa phương, nhiều quan điểm kiến nghị các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý nhanh chóng. Bạn Hung DoDuc đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử phạt nghiêm minh.
Người dân có nhà mà không dám ở, bán chẳng ai mua,.. lãnh đạo chính quyền địa phương cần xem xét một cách nghiêm túc đã hoàn thành trách nhiệm với người dân chưa?
Quá nguy hiểm
Lo ngại lưu huỳnh tràn xuống sông có thể gây sự cố khu vực sông Lô, nhiều bạn đọc cho rằng, chất hóa học này ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân sống quanh vùng.
Bạn đọc ghi TS. Lê Văn Trãi cho rằng, “lưu huỳnh mùi hắc, đốt ra khí rất nguy hại. Xuống sông thì lưu huỳnh làm cá chết”.
Còn bạn đọc Thảo Hiền viết: “Để hàng nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên như thế chắc chắn sẽ có hiện tượng lưu huỳnh phát tán khắp nơi, gây hại cho mắt, hệ hô hấp của con người. Nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là những công nhân đang làm công việc thu dọn, bốc xếp hàng nghìn tấn lưu huỳnh này”.
Một bạn đọc khác cũng chỉ rõ, ở điều kiện bình thường, lưu huỳnh ở thể rắn, nhưng khi đốt cháy nó tạo ra lưu huỳnh đioxit (SO2) và các hạt mịn bay vào không khí. SO2 là một loại khí độc và oxi hóa mạnh gây hại cho cây trồng, vật nuôi và con người khi tiếp xúc. Vì vậy, khi ngửi thấy mùi lưu huỳnh cháy, con người sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe.
Bổ sung thêm, bạn đọc Đỗ Thu Hương cũng cho rằng, “ngộ độc lưu huỳnh trong thời gian dài có thể làm tổn thương hệ thần kinh, ảnh hưởng đến hô hấp, chức năng tim mạch và gây giảm thị lực”.
Trao đổi với VietNamNet trước đó, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cảnh báo, lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,.... Hơn nữa, nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc.
Ngoài ra, khi đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao, khí SO2 sẽ được hình thành, gây ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, mưa axit…
Đặc biệt, bụi lưu huỳnh hoặc khí SO2 khi xâm nhập vào phổi, tim, mắt, họng, tai… nhẹ là ngạt mũi, đau đầu, nặng hơn thì gây khó thở, viêm phế quản, thậm chí khiến ngộ độc máu, tử vong.