Ngoại trưởng Mỹ và mối duyên với Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ và mối duyên với Việt Nam

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ với VietNamNet.

Giai đoạn phát triển sâu rộng, hiệu quả, thiết thực nhất

Thời gian gần đây, nhiều đoàn cấp cao của Mỹ đã tới Việt Nam, cùng với chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken, chúng ta mong chờ điều gì, thưa Đại sứ?

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thông tin về mục tiêu chuyến thăm. Đó là kỷ niệm 10 năm Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ và trao đổi về tất cả lĩnh vực hợp tác song phương cũng như khu vực với Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP

Đặt trong bối cảnh năm nay, tôi muốn chia sẻ 2 điều quan trọng. Một là chuyến thăm đúng vào dịp hai nước đang tiến hành kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện. Có thể nói rằng, 10 năm đối tác toàn diện (2013 – 2023) là giai đoạn phát triển sâu rộng, nhanh nhất, thực chất nhất, hiệu quả nhất trong 28 năm quan hệ Việt – Mỹ. Đây là giai đoạn có những bứt phá rất lớn cả về chính trị, đối ngoại, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục và giao lưu nhân dân… cũng như hợp tác trên bình diện khu vực và đa phương.

Thứ hai là chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra chỉ hai tuần sau cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong cuộc điện đàm này có những ý báo chí đã nhấn mạnh. Đó là:

Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác và phát triển quan hệ trong 10 năm Đối tác toàn diện, trong đó nhấn mạnh, sự phát triển của mối quan hệ này là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện hai nước trong thời gian tới. Hai bên đã trao đổi lời mời và nhận lời về các chuyến thăm cấp cao, đồng thời giao cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chuẩn bị cụ thể cho các chuyến thăm, cho nội hàm của quan hệ song phương trong thời gian tới.

Tôi tin là trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ cùng nhìn lại và rà soát quan hệ song phương, chuẩn bị cụ thể triển khai nội dung điện đàm và cả những định hướng về quan hệ tương lai. Đây cũng chính là sự thiết thực nhất trong dịp kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện Việt -Mỹ.

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên quá khứ

Đại sứ đánh giá thế nào khi nhìn lại 10 năm hai bên xác lập quan hệ Đối tác toàn diện?

Nếu tính từ 2013 đến nay, Mỹ đã thay đổi 3 Tổng thống – từ ông Obama đến Donald Trump rồi tới Tổng thống Biden, trong quan hệ với Việt Nam, nước Mỹ luôn nhắc đến nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Nguyên tắc này là của nước Mỹ chứ không còn là của nhiệm kỳ tổng thống nào. Mỹ còn nhấn mạnh việc ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng. Trong cuộc điện đàm cấp cao kể trên còn thêm “Tự cường”.

Tất cả trụ cột trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ đều rất phát triển, đặc biệt là về kinh tế, thương mại. Tôi còn nhớ vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ - năm 2014 với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (hơn 1 năm sau khi hai bên xác lập quan hệ Đối tác toàn diện) thì thương mại hai nước đạt 36 tỷ USD. Lúc tôi kết thúc nhiệm kỳ vào giữa 2018, con số này vào khoảng 70 tỷ USD (nghĩa là gần gấp đôi). Và ngày nay, nếu ta tính thời điểm kết thúc 2022, thương mại hai nước đạt 123 tỷ USD. Như vậy, trong 10 năm Đối tác toàn diện, thương mại hai nước tăng gấp 3 lần. Nghĩa là, trong quan hệ kinh tế thương mại, hai bên có thể bổ trợ cho nhau và tiềm năng phát triển rất lớn. Liên tục trong 10 năm qua, tỷ lệ tăng tăng trưởng về thương mại hai chiều giữa hai nước luôn đạt từ 17 - 19 %/năm.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: 'Tôi trông đợi mối duyên của Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam, với mối quan hệ hai nước'. Ảnh: Lê Anh Dũng 

2022 cũng là thời điểm lần đầu tiên Mỹ là thị trường đứng đầu về xuất khẩu của Việt Nam khi giá trị vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ vào Việt Nam làm ăn và ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước. Bối cảnh 2022 rất phức tạp bởi cạnh tranh nước lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng, đại dịch bùng phát và những hệ luỵ của đại dịch. Thế nhưng thương mại hai nước vẫn phát triển rất mạnh. Tôi tin 2023 và thời gian tới, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ… tiếp tục phát triển nữa.

Thứ ba là câu chuyện hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Nước Mỹ đánh giá sự hợp tác trên tinh thần nhân đạo của Việt Nam đối với nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh trong đó có tìm kiếm hài cốt lính Mỹ. Đây cũng là động lực để phía Mỹ phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong hợp tác nhân đạo với Việt Nam, nhất là trong vấn đề tháo gỡ bom mìn, hỗ trợ những người tàn tật trong chiến tranh, hợp tác xác định danh tính bộ đội Việt Nam mất tin, mất tích và cuối cùng là tẩy độc dioxin.

Cùng với nguyên tắc về mặt nhà nước là tôn trọng thể chế chính trị của nhau thì sự hợp tác ngày càng lớn giữa hai bên trong khắc phục hậu quả chiến tranh đã tạo dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết. Trong quá trình này, có một câu rất hay để diễn tả về quan hệ hai nước. Đó là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên quá khứ”.

Hợp tác trên bình diện an ninh quốc phòng, từng bước phát triển và ngày càng phù hợp với lợi ích của cả hai nước, từ đó lại giúp cho hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Rồi hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch, ứng phó dịch bệnh…

Mở ra chương mới trong quan hệ hai nước

Thời điểm ông Blinken là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ đã hai lần đến Việt Nam, và sau đó là 2 chuyến thăm lớn: Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ (2015) và chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam (2016)?

Tôi gọi đó là một “mối duyên”. Nhớ lại thời Tổng thống Obama, ông Antony Blinken khi đó là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ đều tới thăm Việt Nam khoảng 1-2 tháng trước hai chuyến thăm lớn nói trên. Đáng chú ý là vào tháng 5/2015, ông Antony Blinken thăm Việt Nam vào khoảng một tháng rưỡi trước khi có sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ (đầu tháng 7/2015).

Khi ấy, gặp gỡ báo chí ngày 19/5/2015, ông Blinken đã gọi chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng là “một chuyến thăm lịch sử” (có thể nói ông là người đầu tiên chính thức dùng chữ ‘lịch sử’ để nói về chuyến thăm này). Đồng thời ông cũng khẳng định, Mỹ rất trông đợi chuyến thăm và coi đó là thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ hai nước, cũng như về mối quan hệ phát triển - từ cựu thù trở thành đối tác.

Ngày 6/7/2015, tức chỉ một ngày trước khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, ông Antony Blinken đã cho đăng bài bình luận với tiêu đề “Cơ hội chiến lược thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt”, coi chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hai nước.

Tôi trông đợi “mối duyên” của Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam, với mối quan hệ hai nước. 

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023