Người thợ rèn bám nghề ở phố cổ Hà Nội nhờ một câu nói của bố
Thứ hai, 01/05/2023 06:15
Người thợ rèn bám nghề ở phố cổ Hà Nội nhờ một câu nói của bố
LTS: Xã hội thay đổi, thời đại công nghệ máy móc thay thế tay chân, các nghề thủ công cũng dần mai một. Thế nhưng vẫn có những người vì yêu nghề, vì muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống mà luôn miệt mài với nghề thủ công được cha ông truyền lại.
VietNamNet xin giới thiệu tới quý độc giả tuyến bài "Những nghề truyền thống còn sót lại".
"Câu nói của bố giúp tôi từ ghét thành yêu nghề"
Ông Nguyễn Phương Hùng (64 tuổi) là thợ rèn truyền thống trên phố Lò Rèn (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Gặp ông Hùng tại số 26 Lò Rèn, chúng tôi ấn tượng với sự nhiệt tình, sôi nổi và ánh mắt biết cười của ông khi nói chuyện. Giữa tiết trời oi ả đầu è, khoác lên mình bộ đồ lấm lem và đang làm việc nhưng ông Hùng vẫn luôn nở nụ cười khi nói chuyện.
Nhiều năm nay, người sống trên phố Lò Rèn đã quen với bếp than đỏ lửa và tiếng búa nện tại “góc tam giác” của ông Hùng. Với ông, rèn là nghề, là niềm vui nên ông chưa bao giờ than vãn dù đó không phải công việc đơn giản, dễ làm.
Nhà có nhiều anh em nhưng ông là người duy nhất theo nghề. Ông luôn tự hào vì mình "được nghề chọn", được ông, được bố giao trọng trách giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.
Ông Hùng nhớ lại thời thanh niên: “Hồi đó, tôi không thích làm rèn. Bố tôi nói nhiều lắm, bảo tôi về theo nghề nhưng tôi nhất định không làm. Tôi thích cuộc sống bay nhảy, tự do, không thích bị gò bó hay sống theo sự sắp xếp của người khác. Sau này, thấy bố tha thiết, tôi cũng thử quay về làm. Nhưng rồi tôi lại bỏ nghề mà đi vì chưa thực sự tìm thấy tình yêu với nó”.
Ông Hùng bắt đầu công đoạn nhóm bếp để nung. Những tia lửa bắn lên khá đẹp mắt.
Năm 1987, ông Hùng theo học nghề cơ khí 3 năm rồi đi làm thợ sửa chữa ô tô. Tiếc con trai không theo nghề, bố ông Hùng lại động viên, giao toàn bộ cửa hàng cho con.
Ban đầu ông Hùng không thích nhưng một câu nói của bố khiến ông thay đổi quyết định: "Con phải về giữ nghề truyền thống của ông, của bố. Con không phụ nghề thì nghề sẽ không phụ con".
Cũng chính từ đó, ông Hùng gắn bó với nghề và được bố giao toàn quyền quyết định tại lò rèn số 26. Đôi bàn tay chai sần, những đốm bỏng nhỏ trên da là minh chứng cho kinh nghiệm của người thợ rèn lâu năm còn sót lại ở phố cổ Hà Nội.
Ông kể: "Bố tôi ngày trước rèn dao, kéo, cuốc xẻng rất khéo và đẹp. Bây giờ tôi không làm những món đồ đó nữa vì có máy móc thay thế nhiều. Mặt hàng của tôi chủ yếu là đục bê tông và các đồ xây dựng”.
Thợ khoan phá bê tông ở khắp Hà Nội luôn tìm đến ông để rèn và tôi lại những mũi đục đã mòn, cong vênh. Theo ông, tuy máy móc hiện đại thay thế sức người nhiều nhưng những sản phẩm làm thủ công vẫn luôn có điểm đặc biệt, chất lượng riêng. Vì vậy khách hàng đến với ông rất nhiều.
"Còn khỏe, còn khách là tôi còn làm"
Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề, ông Hùng càng nhận ra câu nói “nghề chọn mình” luôn đúng.
Mỗi ngày phải tiếp xúc với lửa, dầu nóng, tiếng đe tiếng búa, than và bụi bặm nhưng lúc nào ông Hùng cũng giữ tinh thần lạc quan, say mê làm việc. Ông cho rằng, chỉ khi mình chú tâm, yêu công việc thì mới có thể làm ra sản phẩm tốt nhất.
Theo ông, điều quan trọng một người thợ rèn cần ngoài kinh nghiệm là sức khỏe, độ bền bỉ, tỉ mỉ và kiên trì. Tay nghề của một người thợ phải trải qua thời gian mới có thể kiểm chứng. Ông tự hào và tin vào đôi bàn tay của mình.
Vừa nói, ông vừa nhóm lửa, đưa mũi khoan vào lò nung đỏ. Đôi tay người thợ rèn thoăn thoắt, nện từng nhát búa chắc nịch xuống mũi khoan. Đối với ông, một sản phẩm rèn ưng ý phải được làm nên từ đôi bàn tay của người thợ giàu kinh nghiệm, tỉ mỉ, thanh thoát và chính xác.
Sản phẩm chủ yếu ông Hùng đang làm là đục bê tông. Nhiều khách mang cả bao đến đổi.
Sau lưng ông luôn là hai chiếc quạt. Một chiếc thổi vào lò duy trì lửa, một chiếc thổi vào người. Theo ông, việc cho quạt thổi trực tiếp vào người không chỉ để mát mà giúp làm bay khói, hơi dầu, giảm độc hại. Mùa đông, hai chiếc quạt cũng hoạt động hết công suất.
"Trước đây, cả khu phố này cùng làm nghề rèn. Thế nhưng khi máy móc phát triển, các thiết bị được sản xuất nhanh chóng hơn, nhiều người bỏ rèn chuyển sang nghề khác. Hiện ở phố này chỉ còn mình tôi theo nghề. Nghề này nuôi sống tôi nhiều năm, giúp tôi nuôi nấng các con trưởng thành”, ông Hùng chia sẻ.
Hiện nay, khi là người duy nhất làm nghề rèn thủ công trên phố Lò Rèn, ông Hùng càng thấm thía lời dạy của bố khi xưa. Ông luôn tự nhủ, còn khỏe, còn có sức, còn có khách hàng, ông sẽ vẫn là người thợ rèn tâm huyết.