Nhiều nơi ở Hà Nội lại để mất vỉa vè sau 1 tháng ra quân
Thứ sáu, 07/04/2023 07:00
Nhiều nơi ở Hà Nội lại để mất vỉa vè sau 1 tháng ra quân
Ngang nhiên làm mái che để kinh doanh trên vỉa hè
Sau những ngày Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, ở nhiều nơi, vỉa hè đã phong quang, sạch đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn những khu vực phớt lờ chỉ đạo của thành phố, vỉa hè bị chiếm dụng trái phép gây nên cảnh nhếch nhác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội còn xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Thậm chí, các hàng quán còn làm cả mái che để kinh doanh trên vỉa hè.
Tại phố Nguyễn Thị Thập và phố Nhân Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), các hàng quán thi nhau lấn chiếm vỉa hè.
Vào giờ trưa, nhiều hàng ăn, quán bia, quán nước... lấn kín vỉa hè để làm nơi bày bàn ghế, chỗ dựng xe máy phục vụ khách. Dọc tuyến phố này, nhiều đoạn ô tô còn dừng đỗ dưới lòng đường gây cản trở giao thông.
Ông Trần Văn Công (người dân phường Nhân Chính) rất bức xúc với tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm nhiều năm nhưng không được giải quyết.
“Vào buổi trưa, các hàng quán rất đông, chiếm hết vỉa hè, thậm chí xe để hết dưới lòng đường. Tình trạng này diễn ra từ lâu, không hiểu sao vẫn tồn tại được? Mong chính quyền cũng như công an sở tại sớm có biện pháp đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”, ông Công cho hay.
Tương tự, tại phố Hồng Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm), vỉa hè cả 2 bên đường đều bị hàng quán chiếm dụng, người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, tham gia giao thông cùng với ô tô, xe máy.
Các hộ kinh doanh không những chiếm vỉa hè trước cửa nhà mà còn kê bàn ghế, xếp xe cho khách tràn ra khu vực xung quanh khiến người đi bộ bức xúc vì đi lại khó khăn. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở đây đã được báo chí phản ánh rất nhiều lần nhưng không có sự chuyển biến.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (tổ 4, phường Phú Đô) bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn chính quyền trả vỉa hè về đúng chức năng dành cho người đi bộ. Tôi không hiểu vì sao chính quyền thành phố loay hoay mãi vẫn chưa giải quyết được vấn đề lấn chiếm vỉa hè”.
Anh Trần Văn An (phường Phú Đô) cho biết: "Vỉa hè hết lối đi, bất đắc dĩ tôi phải đi bộ dưới lòng đường, nhiều khi thót tim vì suýt bị xe tông trúng. Mong cơ quan chức năng sớm lập lại trật tự vỉa hè một cách dứt điểm".
Trao đổi với VietNamNet, đại diện UBND phường Phú Đô cho biết, với tất cả những trường hợp vi phạm này, lực lượng chức năng đều đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn cố tình vi phạm. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Phương án cho thuê vỉa hè có khả thi?
Ở một góc độ khác, vỉa hè lâu nay gắn với sinh kế của nhiều người dân, là nguồn sống của không ít hộ gia đình. Vì thế, có ý kiến cho rằng Hà Nội nên tính đến giải pháp quy hoạch thí điểm khu vực cho thuê vỉa hè, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đang bám vỉa hè kiếm sống.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị H. (một người kinh doanh trên vỉa hè quận Cầu Giấy) cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi đã gắn bó với vỉa hè hàng chục năm nay. Nhà nước có thể nghiên cứu thay vì cấm kinh doanh trên vỉa hè thì cho chúng tôi thuê lại vỉa hè. Chúng tôi sẽ đóng phí đầy đủ".
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, cho biết, đơn vị đang nghiên cứu để báo cáo với quận về việc cho thuê lại vỉa hè và chợ cóc.
“Việc cho thuê chắc chắn chỉ có thể áp dụng tại các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng. Cụ thể, đối với những vỉa hè rộng rãi, có thể nghiên cứu theo hướng, sau khi đã chừa lại 1,5m dành cho người đi bộ thì cho phép buôn bán, kinh doanh có thu phí. Nguồn thu sẽ được sử dụng vào việc tái đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị.
Còn đối với những vỉa hè nhỏ hẹp thì kiên quyết không cho thuê, duy trì việc kiểm tra, xử lý nghiêm, không để người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
Tuy nhiên, khi cho thuê với những vỉa hè đủ điều kiện, cũng cần đưa ra các quy định rất rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm người thuê, từ giờ giấc, vệ sinh môi trường, vị trí bày bán… Nếu ai vi phạm là lập tức dừng cho thuê.
Các tiêu chí, điều kiện cũng cần công khai để người dân nắm được. Thậm chí, cần lập đường dây nóng tại phường để người dân có thể phản ánh bất cứ khi nào”, đại diện Công an phường Trung Hòa cho hay.
Nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè theo giờ