Nhiều phụ nữ Mỹ mất sạch tiền vì 'người tình soái ca' trên mạng
Thứ ba, 28/03/2023 19:15
Nhiều phụ nữ Mỹ mất sạch tiền vì 'người tình soái ca' trên mạng
Những phụ nữ nhẹ dạ cả tin
Một ngày hè năm 2020, Kate Kleinert đang ở nhà thì nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên Facebook. Đó là 1 bác sĩ người Na Uy đang đóng quân ở Iraq, tự giới thiệu mình là Tony.
Cô thường xuyên nhận được lời mời kết bạn từ những người đàn ông độc thân. Họ thường là những người đẹp trai, thành đạt và làm việc ở quốc gia khác.
"Tôi chưa bao giờ chấp nhận những yêu cầu kết bạn như vậy. Nhưng không biết có phải do tâm trạng ngày hôm đó hay không mà tôi đã chấp nhận yêu cầu kết bạn của Tony. Tôi đã goá chồng nhiều năm, nhưng chưa bao giờ muốn có thêm mối tình khác", Kate nói.
Kate không có con. Những tháng tiếp theo, cô bị cuốn vào cuộc tình lãng mạn. Tony có 2 đứa con, vợ đã chết vì bệnh bạch cầu. Anh nhắn tin cho cô mỗi ngày, gửi ảnh và chia sẻ những câu chuyện gia đình.
Chẳng bao lâu sau, anh bày tỏ tình cảm với cô, nhờ cô tìm nhà để cả 2 chuyển đến sống cùng nhau và tìm trường học cho bọn trẻ. Kate dần tin tưởng Tony và mong đến ngày sống chung nhà, cô vui mừng vì mình có cơ hội làm mẹ.
Đến một ngày, Tony bất ngờ nhắn vay tiền của cô để giúp trang trải chi phí học tập của con gái. Bỏ qua những nghi ngờ ban đầu, Kate gửi tiền cho anh. Sau đó là những lần lừa dối để lấy thêm tiền từ cô. Ước tính con số lên đến khoảng 39.000 USD.
Cuối cùng, đến ngày hẹn gặp mặt, Kate làm tóc, móng tay và đợi điện thoại. Vài giờ sau khi Tony hạ cánh xuống sân bay, cô vẫn không nhận được tin tức gì. Mãi sau đó, cô mới nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là luật sư của anh. Người này nói Tony gặp rắc rối pháp lý ở sân bay và cần tiền bảo lãnh.
Trong những ngày sau đó, cô nhận được một loạt cuộc gọi từ Tony và cả luật sư để vay tiền. Họ thúc giục cô bán ô tô, rút tiền hợp đồng bảo hiểm, thế chấp nhà, vay người thân để gửi tiền cho anh.
Lúc này, cô bắt đầu nhận thấy điều bất thường. "Mất tiền là điều thật tồi tệ. Nhưng mất đi tình yêu, kế hoạch về gia đình của chúng tôi mới là điều khiến tôi suy sụp", Kate nói.
Sarrah Rose lần đầu tiên nhìn thấy Ren đã bị thu hút bởi vẻ hấp dẫn, cao ráo, có học thức và thành đạt. Cô quen anh qua ứng dụng hẹn hò. Sau những lần nhắn tin trò chuyện qua lại, Ren lộ dần là kẻ lừa đảo. Anh dụ dỗ, lừa cô chuyển tiền cho anh qua nền tảng Coinbase tiền điện tử.
Nicole Hutchinson, 24 tuổi, đến từ bang Tennessee đã bị lừa gần 400.000 USD bởi người đàn ông cô quen trên ứng dụng hẹn hò Hinge.
Anh trò chuyện rồi dụ cô sử dụng tiền điện tử. Cô đã nghe theo và chuyển tiền cho anh. Nhưng cô không biết rằng các ví điện tử mà cô được hướng dẫn chuyển tiền đã bị kẻ lừa đảo kiểm soát. Cuối cùng, cô đã mất hết cả tiền tiết kiệm của mình và của cha mình.
Khủng hoảng cô đơn
Vấn đề cô đơn đã âm ỉ từ lâu trên khắp nước Mỹ. Đại dịch chỉ như chất xúc tác "đổ thêm dầu vào lửa" khiến tình trạng trầm trọng hơn.
Một nghiên cứu của Kaiser Family Foundation cho thấy cứ 5 người Mỹ thì có 1 người thường xuyên cảm thấy cô đơn. Trong khi đó, ở thanh thiếu niên và thanh niên, tỷ lệ cô đơn tăng gần gấp đôi từ năm 2012 đến 2018.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, sự xuất hiện của đại dịch, hẹn hò trực tuyến và tiền điện tử đã kết hợp với nhau khiến cho hành vi lừa đảo qua mạng tăng cao. Thời gian giãn cách vì đại dịch khiến nhiều người lên mạng tìm bạn đồng hành hơn.
Cuộc khủng hoảng cô đơn đang diễn ra trên khắp nước Mỹ tạo cơ hội hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo lộng hành. "Những kẻ lừa đảo sẽ phát triển mối quan hệ qua mạng khoảng 6 tháng trước khi vay tiền", Stacey Wood, chuyên gia tâm thần kinh pháp y cho biết.
Trước đây, những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin mọi người bằng cách thêu dệt các câu chuyện có tính thuyết phục cao. Nhưng với sự gia tăng của hẹn hò trực tuyến, những trò lừa đảo xuất hiện ngày càng tinh vi hơn. Kẻ lừa đảo chủ yếu tiếp cận nạn nhân qua Instagram và Facebook.
Không dễ tìm ra giải pháp
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đưa ra lời khuyên cho mọi người rằng "hãy cẩn thận với những gì bạn đăng và công khai trực tuyến", phải nghiên cứu ảnh và hồ sơ của người lạ bằng cách sử dụng tìm kiếm trên mạng để tránh lừa đảo. Theo Stacey Wood, không dễ tìm ra giải pháp và cần thêm sự tham gia của các nền tảng truyền thông xã hội.
Năm ngoái, 70.000 người báo cáo là nạn nhân của lừa tình, với mức thiệt hại trung bình là 4.400 USD. Nhưng đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Một khi ai đó rơi vào bẫy lừa đảo, nhiều khả năng họ sẽ trở thành con mồi một lần nữa, theo Insider.
Giờ đây, Kate mới biết rằng cô đã rơi vào danh sách con mồi tiềm năng của những kẻ lừa đảo và được rao bán trên khắp thế giới.