Nhiều tuyến buýt ở Vĩnh Phúc ngừng chạy, vạn người không có xe đi

Nhiều tuyến buýt ở Vĩnh Phúc ngừng chạy, vạn người không có xe đi

Phản ánh đến VietNamNet mới đây, anh Nguyễn Văn Anh (huyện Tam Dương) cho biết, đã nhiều tháng nay không thể đón được xe buýt đi làm do một loạt tuyến xe trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dừng hoạt động. Cụ thể, 6 tuyến xe buýt của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc gồm VP01, VP03, VP04, VP05, VP06, VP08 đã dừng hoạt động từ ngày 27/11/2022.

“Hàng ngày, phương tiện đi làm của tôi là xe buýt. Nay trên địa bàn chỉ có 2 tuyến xe buýt hoạt động gây khó khăn cho di chuyển; nhiều hôm tôi phải chờ nửa giờ đồng hồ mới có xe buýt đi qua. Mong rằng tình trạng xe buýt dừng chạy sớm được khắc phục" - lời anh Văn Anh.

Một bạn đọc khác từng 6 năm gắn bó với tuyến xe buýt 01, anh Nguyễn Hoàng Long (xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường) khá lo lắng khi tuyến buýt tạm dừng hoạt động.

Anh Long chia sẻ: “Tôi làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), thường xuyên sử dụng tuyến xe buýt số 01 để đi làm. Ngay khi tuyến này tạm dừng hoạt động, tôi phải chuyển sang phương tiện xe khách để di chuyển. Điều đó rất bất tiện và chi phí tốn kém hơn”.

Hiện tại, Vĩnh Phúc còn 2 tuyến xe buýt đang hoạt động là tuyến số 07 và 09.

Theo tìm hiểu, ngày 24/10/2022, nhiều lái xe, phụ xe, nhân viên xe buýt của 6 tuyến buýt trên đã tập trung yêu cầu Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc phải trả lương và các quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Trước tình hình trên, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân, vận động lái xe, phụ xe 6 tuyến buýt làm việc trở lại. Tuy nhiên, các lái xe vẫn kiên quyết tập trung, đòi hỏi các quyền lợi.

Qua tìm hiểu, hiện nay đơn vị cung cấp dịch vụ đang gặp khó khăn về tài chính, cạn kiệt nguồn lực dẫn đến nợ lương lái xe và các khoản chế độ khác.

Việc dừng hoạt động 6 tuyến buýt gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dân Vĩnh Phúc.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 6 tuyến xe buýt trên ngừng hoạt động từ ngày 27/11/2022 do Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc gặp khó khăn về tài chính.

“Ngày 21/12/2022, Sở GTVT đã đăng thông báo về việc mời đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đối với 6 tuyến buýt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến hết thời gian thông báo vào ngày 10/1/2023, không có đơn vị nào quan tâm tham gia”, đại diện Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc thông tin.

Ngày 11/1/2023, Sở GTVT đã có báo cáo và đề xuất UBND tỉnh về việc xây dựng phương án, lập giá sản phẩm dịch vụ công ích và lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các tuyến xe buýt.

Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh giao Sở GTVT tổ chức xây dựng phương án, lập lại giá sản phẩm, dịch vụ công ích công tác vận tải hành khách công cộng 6 tuyến xe buýt và mở tuyến VP10, trình Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu mới cung cấp dịch vụ.

Ngày 16/1/2023, UBND tỉnh có văn bản về việc xây dựng phương án, lập giá sản phẩm dịch vụ công ích và lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các tuyến xe buýt.

UBND tỉnh, Sở GTVT đã tiến hành thủ tục thuê tư vấn lập dự toán chi phí cho các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ. Hiện nay Sở Tài Chính đang thẩm định dự toán.

Thực tế, việc giải quyết các thủ tục để chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe buýt theo đề nghị của Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc, đồng thời phải duy trì liên tục hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân là nhiệm vụ rất khó khăn và chưa có tiền lệ.

Việc quyết định các giải pháp thực hiện có ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội, do đó cần phải được nghiên cứu trên nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau để vừa đảm bảo tính khách quan, đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

Trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện tại, việc cung cấp dịch vụ vận tải công ích bằng xe buýt có ý nghĩa rất lớn. Ngoài việc là giải pháp quan trọng để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm tải cho hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, thì sử dụng xe buýt còn góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hình thành văn hóa giao thông, văn minh đô thị.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hằng ngày có khoảng 10.000 người tham gia phương tiện công cộng. Hành khách sử dụng dịch vụ này đa phần là công nhân, học sinh, sinh viên và người cao tuổi.

Nếu hoạt động xe buýt dừng lại, đồng nghĩa với việc hàng nghìn gia đình ảnh hưởng, đảo lộn thói quen sinh hoạt, đẩy hàng nghìn xe máy vào guồng giao thông, người dân phải thêm chi phí nhiên liệu, trong khi hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường càng thêm áp lực.

Mặt khác, Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều khu công nghiệp, việc mạng lưới xe buýt công cộng hoạt động không tốt ảnh hưởng đến việc di chuyển, giờ giấc làm việc của công nhân, cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nếu công nhân không thể sử dụng xe buýt đi làm, doanh nghiệp còn phải mất thêm chi phí sắm phương tiện chủ động đưa đón công nhân để đảm bảo năng lực sản xuất.

Việc này vô tình cũng ảnh hưởng đến uy tín của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ảnh hưởng đến chủ trương mời gọi thu hút đầu tư mà tỉnh đã nỗ lực thực hiện đem lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho làm dự án khẩn cấp 550 tỷ đồng ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho làm dự án khẩn cấp 550 tỷ đồng ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Dự báo thời tiết 8/1/2025: Không khí lạnh tăng cường đang về, Hà Nội mưa vài nơi

Dự báo thời tiết 8/1/2025: Không khí lạnh tăng cường đang về, Hà Nội mưa vài nơi

Hai chàng trai chụp ảnh cưới gây sốt mạng xã hội

Hai chàng trai chụp ảnh cưới gây sốt mạng xã hội