Những con số kỷ lục lịch sử về trái sầu riêng Việt Nam
Thứ bảy, 18/03/2023 06:56
Những con số kỷ lục lịch sử về trái sầu riêng Việt Nam
Sầu riêng thành trái cây siêu hot
Là cây trồng chủ lực ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam nước ta, sầu riêng từng có thời phải kêu gọi "giải cứu", chất bán đầy vỉa hè, sạp chợ vì khó khăn trong vấn đề đầu ra. Song, trái cây này "đổi đời" từ khi có tấm "visa" vào thị trường Trung Quốc.
Giữa tháng 7/2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam. Cánh cửa vào thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới mở ra với sầu Việt.
Đến giữa tháng 9/2022, lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt nhận được những tín hiệu tích cực ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân này. Cũng từ đó, những con số kỷ lục lịch sử lần lượt xuất hiện.
Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho thấy, chỉ trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng 4.120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam.
Đơn hàng từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc dồn dập đổ về, các doanh nghiệp không đủ hàng để xuất khẩu. Trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến còn tiết lộ, đơn hàng đặt mua sầu riêng nhiều không đếm xuể.
Kết thúc năm 2022, sầu riêng đem về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm 2021. Đây cũng là năm quả sầu riêng lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu thuận lợi, giá sầu riêng thu mua tại vườn cũng tăng phi mã. Đầu tháng 10 năm ngoái, giá sầu Ri6 loại 1 ở mức 75.000 đồng/kg, sầu Monthong loại 1 giá 82.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 20.000-35.000 đồng/kg so với trước khi xuất khẩu lô sầu đầu tiên theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.
Đến giữa tháng 1 và đầu tháng 2/2023, giá sầu tăng dựng đứng, lên mức 150.000-190.000 đồng/kg tùy loại, thương lái ráo riết gom mua. Mức giá thu mua tại vườn cao kỷ lục kể từ khi trái sầu riêng thành cây trồng hàng hóa ở nước ta.
Tại kho đóng hàng ở Tiền Giang, thương lái bán sầu riêng cho đối tác xuất đi Trung Quốc giá 290.000 đồng/kg với monthong loại A, loại B là 210.000 đồng/kg. Với Ri6 giá dao động 170.000-230.000 đồng/kg. Tính ra, một trái sầu riêng 3-5kg có giá tiền triệu.
Cũng bởi vậy, nông dân trồng sầu riêng ở miền Tây thu được lợi nhuận kỷ lục 1,2-1,5 tỷ đồng/ha nếu có trái bán lúc bấy giờ.
Liên tục cảnh báo, diện tích vẫn tăng kỷ lục
Sầu riêng sốt giá, nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng; chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng...
Trước sức nóng của trái sầu riêng, cuối tháng 11/2022, Bộ NN-PTNT phải ra Chỉ thị yêu cầu nông dân không tự phát mở rộng diện tích đối với cây trồng này.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.
Bất chấp cảnh báo, trào lưu trồng sầu riêng từ Tây Nguyên đã lan nhanh xuống khu vực miền Nam. Nhà vườn đua nhau chuyển đất lúa, các loại cây ăn trái khác qua trồng sầu riêng.
Báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh cho thấy, diện tích sầu riêng tăng mạnh. Tại Cần Thơ, diện tích trồng sầu riêng vọt lên 2.500ha; tại Tiền Giang là 17.653ha; Ðồng Tháp cũng có 2.380ha. Diện tích trồng sầu riêng tại tỉnh Bình Phước năm 2022 đạt 4.802ha, tăng 1.364 ha so với năm 2021.
Theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" của Bộ NN-PTNT, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000ha. Tuy nhiên, hết năm 2022, con số này đã vọt lên 110.000ha, vượt khoảng 35.000ha so với định hướng. Điều đáng nói, diện tích sầu riêng có khả năng tăng nữa, khi cuộc đua trồng sầu vẫn đang diễn ra.
Trước thực trạng này, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) mới đây lại có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành miền Nam về phát triển cây sầu riêng.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Sầu riêng Riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) - cho biết, giá sầu riêng đã hạ nhiệt, nhưng vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, sầu riêng Ri6 hàng loại 1 đang được hợp tác xã thu mua với giá 95.000 đồng/kg, sầu Monthong loại 1 giá 135.000 đồng/kg. Mức này nông dân trồng sầu vẫn có lãi cao.
Song, các chuyên gia cảnh báo, nếu cứ trồng ồ ạt không theo định hướng thì sầu riêng sớm muộn cũng sẽ thành "sầu chung". Bởi, thị trường Trung Quốc vẫn "ăn" lượng lớn hàng nhưng không phải sầu riêng nào cũng mua.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhấn mạnh, bài học nhãn tiền từ cây thanh long, hồ tiêu hay mới đây nhất là cam sành Vĩnh Long vẫn còn đó. Đua nhau trồng dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm, trồng rồi chặt lại thành điệp khúc. Với tốc độ trồng sầu riêng hiện nay, ông Cường cho rằng không sớm thì muộn cung cũng sẽ vượt cầu.
Để xuất khẩu sang Trung Quốc, vườn sầu phải được cấp mã số vùng trồng. Tính tổng các đợt phê duyệt từ phía Hải quan Trung Quốc, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang. Chưa kể, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, chỉ một quả sầu không đạt tiêu chuẩn cả lô hàng sẽ bị trả lại.