Những thương vụ đổi chủ đình đám của đại gia bán lẻ
Thứ hai, 06/03/2023 06:10
Những thương vụ đổi chủ đình đám của đại gia bán lẻ
Tập đoàn ngoại thoái lui
Cuối năm 2015, Tập đoàn Casino (Pháp) tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, bán lại hệ thống siêu thị Big C. Có mặt tại Việt Nam từ 1998, Big C là một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Đại gia Pháp cho rằng muốn bán mảng kinh doanh bán lẻ để trả nợ.
Ngay lập tức, Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group và TCC Holding (đều của Thái Lan), Saigon Co.op và Masan Group (Việt Nam) tham gia cuộc đua mua lại Big C.
Đến tháng 4/2016, thương vụ mới chính thức hoàn tất, chủ mới là Central Group. Đại gia bán lẻ Thái Lan Central Group đã chi hơn 1 tỷ USD để mua thành công Big C. Năm 2021, Big C đồng loạt đổi tên thành GO! và Tops Market.
Một thương vụ khác ồn ào không kém là Metro. Metro từng thuộc sở hữu của Tập đoàn bán lẻ Metro AG (Đức), một đại gia bán lẻ đến từ châu Âu. Tình hình kinh doanh khó khăn, Metro liên tục báo lỗ, mỗi năm lỗ từ 89-160 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng và chỉ ghi nhận 1 năm có lãi.
Năm 2014, Metro tại Việt Nam chính thức chuyển giao gồm toàn bộ 19 cửa hàng bán buôn và các danh mục đầu tư bất động sản liên quan giá trị 655 triệu euro (khoảng 879 triệu USD) cho BJC. Sau ít năm hoạt động với chủ mới, Metro mới được đổi tên thành MM Mega Market.
Một đại gia bán lẻ khác đến từ châu Âu cũng rời bỏ thị trường Việt Nam và bán lại hệ thống siêu chị cho đối tác trong nước là Auchan. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2015, Auchan sở hữu 18 siêu thị tại TP.HCM, Hà Nội và Tây Ninh. Số lượng cửa hàng của Auchan ít hơn khá nhiều so với các đối thủ như BigC hay Metro.
Năm 2019, tập đoàn Auchan Retai thông báo quyết định bán hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam. Sau thời gian đàm phán, Saigon Co.op đã đạt thỏa thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ, theo các chuyên gia, đây không hẳn là thương vụ M&A đầu tư để bán, mà là rút khỏi thị trường với giá thấp hơn chi phí đầu tư.
Đại gia nội đổi chủ
Điện máy Nguyễn Kim từng là tên tuổi đứng đầu Việt Nam ở mảng mua sắm điện máy khi xuất hiện sớm nhất thị trường. Công ty NKT thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 800 tỉ đồng. Khi đó, đại gia Nguyễn Văn Kim cùng các thành viên trong gia đình nắm gần 90% doanh nghiệp mẹ của chuỗi điện máy Nguyễn Kim.
Năm 2015, đại gia bán lẻ Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần Công ty NKT và bắt đầu cử người tham gia điều hành Nguyễn Kim. Tháng 6/2019, các công ty liên quan tập đoàn bán lẻ Thái Lan mua lại toàn bộ 51% cổ phần còn lại của Công ty NKT.
Giá trị thương vụ này theo Central Retail là 2.600 tỉ đồng bao gồm 2.250 tỉ đồng tiền mặt và 350 tỉ đồng được hạch toán vào khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp.
Năm 2017, thị trường điện máy cũng chứng kiến thương vụ thâu tóm lớn. Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động bỏ ra 2.500 tỷ đồng mua lại Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh.
Trước khi bị thâu tóm, Trần Anh là một thương hiệu bán lẻ lớn được biết đến rộng rãi với hệ thống 34 siêu thị quy mô lớn, vị trí đắc địa. Sau hơn 1 năm mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh, Thế Giới Di động đã bắt đầu thay thế toàn bộ tên biển hiệu thành Điện Máy Xanh. Cổ phiếu TAG của Trần Anh cũng huỷ niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Một thương vụ đình đám khác là Vingroup bán Vinmart, VinEco cho Masan.
Cuối năm 2019, thị trường bán lẻ bất ngờ với thông tin tập đoàn Vingroup rút chân khỏi ngành bán lẻ sau một thời gian đầu tư phát triển. Tháng 12/2019, Vingroup thông báo quyết định hoán đổi cổ phần công ty VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho tập đoàn Masan,
Sau khi mua lại, Masan đã tái cấu trúc, đổi tên thương hiệu VinMart thành WinMart, VinEco đổi thành WinEco.