Nổi lên tình trạng lừa đảo, tống tiền đại gia, người có địa vị xã hội
Thứ tư, 11/12/2024 05:30
Nổi lên tình trạng lừa đảo, tống tiền đại gia, người có địa vị xã hội
Ngày 10/12, Công an TPHCM tiếp tục phát đi cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng thông qua không gian mạng, mạng viễn thông.
Mới đây, Công an TPHCM tiếp nhận thêm một số tin trình báo về thủ đoạn cắt ghép hình ảnh nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với chiêu thức này, các đối tượng giấu mặt sẽ thực hiện hành vi tống tiền nhằm vào người có địa vị xã hội, người có điều kiện kinh tế.
Cụ thể, các đối tượng tìm kiếm thông tin, hình ảnh của các nạn nhân, chủ yếu là người có địa vị xã hội, người có kinh tế, từ các nguồn, trên các trang mạng xã hội hay chính các tài khoản mạng xã hội chính chủ. Chúng cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung “nhạy cảm” ở các nhà nghỉ, khách sạn….
Sau đó, đối tượng giả danh là thám tử tư gọi điện thoại thông báo cho nạn nhân về việc phát hiện người này có mối quan hệ bất chính với những người khác. Chúng gửi cho nạn nhân các hình ảnh “nhạy cảm” đã được chỉnh sửa, cắt ghép nói trên.
Khi đó nạn nhân lo sợ bị đăng lên mạng xã hội, gửi tới nơi làm việc... nên xin “chuộc lại” các clip và hình ảnh nhạy cảm. Các đối tượng giở chiêu tống tiền, hướng dẫn mua tiền điện tử và chuyển đến các tài khoản ví điện tử theo chỉ định, sau đó chúng chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Có vụ việc, Công an TPHCM tiếp nhận trình báo của người bị lừa đảo, tống tiền khoảng 2 tỷ đồng, tương đương với 80.000 USDT (là 1 loại tiền điện tử)
Làm sao để tránh là nạn nhân bị lừa đảo, tống tiền
Từ hoạt động nghiệp vụ điều tra, xử lý các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn tinh vi, Công an TPHCM đã đưa ra cảnh báo để người dân biết, tránh trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo.
Cụ thể, Công an TPHCM đưa ra các nội dung khuyến cáo như:
Một là, hoạt động theo dõi thông tin để nâng cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, cập nhật nội dung tuyên truyền từ các trang chính thống về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo.
Thứ hai, có các hoạt động bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng như: không chia sẻ thông tin cá nhân, hình thẻ căn cước, bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe hoặc các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân của mình và người khác lên mạng xã hội….
Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn (link) website “lạ”, không rõ nguồn gốc mà có thể được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email hay chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại như: Appstore của IOS hay CH Play của Android.
Luôn ý thức bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân, địa chỉ cơ quan, nơi ở, nơi làm việc… đặc biệt là những hình ảnh “nhạy cảm” có thể bị lợi dụng để cắt ghép.
Ba là, xác thực thông tin. Gặp tình huống nhận được yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan các loại tài khoản hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản, yêu cầu chuyển khoản… hoặc khi thực hiện các giao dịch qua điện thoại, phải hết sức cảnh giác, lưu ý kiểm tra kỹ tất cả các thông tin liên quan hoặc tham khảo ý kiến người thân, bạn bè... trước khi thực hiện việc giao dịch.
Người dân luôn kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ hoặc tương tác; cẩn trọng khi tiếp nhận thư từ, các cuộc gọi, tin nhắn có nguồn gốc không rõ ràng.
Bốn là, báo cáo thông tin. Trường hợp bị lừa đảo hoặc nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo, cung cấp thông tin đến cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.