Phía sau màn kịch khách VIP đặt tiệc đắt đỏ, đòi phục vụ rượu hạng sang
Thứ bảy, 29/07/2023 06:10
Phía sau màn kịch khách VIP đặt tiệc đắt đỏ, đòi phục vụ rượu hạng sang
Đại diện nhà hàng S.H., đường Bạch Đằng (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết, tháng 3/2023, nhân viên nhà hàng nhận được cuộc gọi đặt tiệc cho 30 khách. Buổi tiệc dự kiến diễn ra vào 18h cùng ngày. "Khách VIP" này chốt với nhà hàng những món đắt tiền, sau đó, yêu cầu loại rượu phục vụ là vang Chateau d'Armailhac.
Chiều khách, nhà hàng bắt đầu liên lạc tìm những đầu mối cung cấp nhưng không thấy loại rượu khách yêu cầu.
“Khi trao đổi, chúng tôi thuyết phục khách đổi sang loại rượu khác với giá tương đương, nhưng người này không đồng ý với ý do đây là loại rượu đối tác công ty yêu thích”, đại diện nhà hàng S.H. kể lại.
Gần đến thời gian tiệc, nhà hàng vẫn chưa tìm ra địa chỉ cung cấp loại rượu trên. Khi đó, khách đặt tiệc gọi lại giới thiệu một địa chỉ bán rượu vang Chateau d'Armailhac tại TP.Đà Nẵng.
Liên hệ với địa chỉ trên, phía bán rượu xác nhận có hàng nhưng bắt buộc nhà hàng S.H. phải đặt cọc trước do giao dịch lần đầu. Để có rượu tiếp đãi khách, nhà hàng S.H. đã chuyển gần 30 triệu tiền đặt cọc.
Giờ khai tiệc đã điểm, không thấy khách cũng như rượu đâu, nhà hàng tá hoả gọi lại thì cả hai số điện thoại đều không liên lạc được.
Trong nhiều trường hợp, để các nhà hàng dễ sập bẫy, các "khách VIP" thậm chí sẵn sàng chuyển khoản vài triệu tiền đặt cọc để lấy lòng tin, “thả con săn sắt, bắt con cá rô”.
Cụ thể, mới đây một số người sử dụng tài khoản mạng xã hội liên hệ nhà hàng A.L.B. (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để đặt tiệc tiếp khách. Sau khi thống nhất các món ăn, vị khách này yêu cầu nhà hàng chuẩn bị rượu vang để sử dụng và đặt số lượng lớn loại nước uống hồng sâm của Hàn Quốc làm quà tặng cho khách dự tiệc.
Nhà hàng liên hệ nhiều nơi nhưng không tìm thấy loại rượu và hồng sâm theo yêu cầu.
Ngay sau đó, người này giới thiệu số điện thoại người bán để nhà hàng liên hệ. Sau khi nhân viên nhà hàng liên lạc, báo giá để khách chuyển tiền mua rượu, nước hồng sâm thì được “khách hàng” gửi lại hình ảnh đã chuyển khoản thành công số tiền.
Khách liên tục thông báo sắp đến dự tiệc, hối thúc nhà hàng chuẩn bị. Tin tưởng “khách hàng” đã chuyển tiền, có thể số tiền đến chậm do chuyển liên ngân hàng, nên nhà hàng đã chuyển số tiền đặt hàng cho phía người bán rượu.
Đến giờ vào tiệc, nhà hàng mới phát hiện không có khách nào đến dự và cũng không có ai mang rượu, hồng sâm tới. Còn "khách VIP", người bán rượu đã chặn liên lạc.
Nhà hàng cần cảnh giác
Thượng tá Phạm Trường Sơn, Trưởng Công an TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) cho hay, việc các đối tượng lừa đảo với hình thức đặt tiệc đã xảy ra diện rộng trên cả nước.
“Chúng tôi đã cảnh báo những thủ đoạn này cho người dân. Các đối tượng này sử dụng thủ đoạn rất chuyên nghiệp. Chúng thường giả danh là doanh nghiệp tiếp khách VIP. Sau đó yêu cầu nhà hàng chuẩn bị loại rượu hạng sang không có trên thị trường.
Khi “con mồi” loay hoay tìm mặt hàng yêu cầu, các đối tượng này sẽ giới thiệu một địa điểm đặt mua rượu và nói nhà hàng chuyển một số tiền đặt cọc lớn nhằm chiếm đoạt. Sau khi nhận được tiền, chúng cắt đứt mọi thông tin liên lạc”, Thượng tá Sơn nói.
Cũng theo Thượng tá Sơn, những nhà hàng có tiếng trong vùng thường được nhắm đến. Vì những nhà hàng này chăm sóc khách hàng rất tốt.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 1 đơn tố cáo của nhà hàng tại TP Tam Kỳ về vấn đề trên.
“Người này tự xưng mình là nhân viên của hãng ô tô tại Tam Kỳ, liên hệ muốn đặt tiệc tối cho công ty.
Sau khi trao đổi với nhân viên nhà hàng, đối tượng này chốt thực đơn và chuyển khoản tiền cọc cho nhà hàng số tiền 1 triệu đồng”, vị lãnh đạo này nói.
Tiếp đó, đối tượng này đưa thông tin loại rượu để nhà hàng chuẩn bị cho bữa tiệc, ngoài ra còn yêu cầu một số quà về sâm tặng cho khách.
Sau khi nhà hàng kiểm tra loại rượu không có ở Tam Kỳ, đối tượng gửi số điện thoại (0866693… tên Zalo: Cửa Hàng Xuất Nhập Khẩu) cửa hàng rượu, nhân viên nhà hàng liên hệ mua rượu và sâm.
Sau khi trao đổi, nhân viên nhà hàng chuyển tiền cọc mua rượu và sâm số tiền 21 triệu đồng. Chuyển tiền cọc, nhân viên nhà hàng yêu cầu đối tượng trên tiếp tục cọc thêm tiền để chuyển khoản thanh toán thì tài khoản Zalo này bị khoá.
Cũng theo vị lãnh đạo này, tiếp nhận đơn tố cáo, điều tra, đối tượng này ở Campuchia. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi và điều tra vụ việc”, vị này thông tin thêm.
Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã ra thông báo, tuyên truyền rộng rãi đến các nhà hàng trên địa bàn tỉnh nhằm phòng chống bị lừa đảo.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Đà Nẵng đánh giá, các đối tượng lên kịch bản lừa đảo rất tinh vi, thông tin đưa ra rất logic. Các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, Zalo liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục khiến bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép, làm theo kịch bản đã giăng sẵn.
Ngoài ra, chúng còn làm giả thông tin đã giao dịch chuyển tiền thành công để bị hại tin tưởng.
Do vậy, Công an Đà Nẵng khuyến cáo các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng cần cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn trên.