Phim chiếu mạng tràn lan cảnh nóng, bạo lực quản thế nào?
Thứ năm, 30/03/2023 06:30
Phim chiếu mạng tràn lan cảnh nóng, bạo lực quản thế nào?
Thời gian qua, với sự phát triển của Internet và các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, web drama chiếu mạng xuất hiện ngày càng nhiều. Do có thể tiếp cận với lượng lớn khán giả ở bất cứ đâu, khả năng kiếm tiền tốt từ quảng cáo mà không phải qua kiểm duyệt nội dung gắt gao nên không chỉ người nổi tiếng mà cả những nhà sản xuất nghiệp dư cũng đầu tư làm web drama nhưng chất lượng không đồng đều.
Rất nhiều tên tuổi nổi tiếng như Trấn Thành, Thu Trang, Huỳnh Lập đã đầu tư sản xuất nhiều web drama lớn có lượng xem khủng, tạo thành hiện tượng trên mạng xã hội, thậm chí nhiều web drama đã trở thành nguồn cảm hứng cho các phim điện ảnh lớn ra rạp như Bố già, Chị mười ba... Tuy nhiên, trên nền tảng YouTube hiện nay gần như bị thả nổi, nội dung xấu độc tràn lan.
Trong khi các phim chiếu rạp bị kiểm duyệt theo luật Điện ảnh, phải cắt bỏ những hình ảnh và nội dung vi phạm các điều cấm, được phân loại rõ ràng, thậm chí không được phổ biến thì phim chiếu mạng lại mang nhiều nội dung phản cảm, hình ảnh dễ dãi và hầu hết không được phân loại dán nhãn cảnh báo theo quy định của luật Điện ảnh 2022 mới ban hành.
Điểm d, điều 21 của luật Điện ảnh 2022 về "Phổ biến phim trên không gian mạng" quy định rõ: "Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị VHTT&DL hoặc cơ quan được Bộ ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng".
Tuy nhiên, người xem mọi lứa tuổi vẫn có thể tiếp cận với những web drama có hình ảnh 18+, nội dung vi phạm những điều cấm ở luật Điện ảnh, thậm chí vi phạm pháp luật mà không hề có bất cứ cảnh báo nào. Với việc tiếp cận Internet dễ dàng như hiện nay, điều này là mối nguy hại lớn với khán giả, đặc biệt là trẻ em nếu có thể xem những nội dung này mà không hề có sự giám sát của người lớn. Trong khi đó, để câu view, nhiều web drama thường dùng các cảnh nóng phản cảm, thậm chí cảnh giang hồ chém giết nhau để thu hút sự chú ý.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ với VietNamNet, Cục đang làm báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT&DL về vấn đề này và đề xuất phương án xử lý với những bộ phim chiếu mạng. "Điều quan trọng là ở điều 3 luật Điện ảnh đã định nghĩa thế nào là phim, thế nào không phải là phim. Bộ VHTT&DL chỉ quản nội dung phim còn nội dung các web drama do Bộ TT&TT và Bộ Công an quản lý, lấy luật An ninh mạng làm căn cứ. Vừa rồi chúng tôi làm báo cáo lãnh đạo Bộ về vấn đề này, về tình hình thực tế và xác định trách nhiệm cho rõ của các bên".
Người đứng đầu Cục Điện ảnh cho hay đã đề xuất có cuộc trao đổi giữa Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT để phân định rõ trách nhiệm quản lý các nội dung trên không gian mạng bởi Bộ VHTT&DL chỉ quản lý về phim.
Khi được hỏi về những khó khăn của cơ quan quản lý khi giám sát nội dung phim trên không gian mạng hiện nay theo hình thức hậu kiểm, thường xử lý tình huống theo sự vụ, ông Vi Kiến Thành cho biết liên quan đến phim ảnh có rất nhiều cái khó khi Cục Điện ảnh chưa có trang thiết bị kỹ thuật cơ sở hạ tầng để quản lý. Thêm vào đó, Cục mới chỉ được bổ sung 1 nhân sự để giám sát việc này. "Giữa mong muốn của cơ quan quản lý và thực tế còn có bất cập chứ không đơn giản", ông nói.
Theo ông, dù phim trên mạng đã được quy định rõ ở luật Điện ảnh về việc nhà sản xuất tự phân loại, dán nhãn, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm nhưng hiện chỉ có thể là kiểm tra đột xuất chứ không thể kiểm được toàn bộ những gì gọi là phim đưa lên mạng. Cơ quan quản lý không thể xem hết tất cả những bộ phim được đưa lên không gian mạng để xem họ phân loại đúng chưa và có nội dung gì vi phạm để yêu cầu gỡ bỏ.
Điều 21, luật Điện ảnh 2022 về 'Phổ biến phim trên không gian mạng'1. Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng quy định tại khoản 1 điều này phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 điều 18, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
a) Không được phổ biến phim vi phạm quy định tại điều 9 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTT&DL hoặc cơ quan được Bộ ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp giấy phép phân loại phim hoặc uyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 điều 27 của luật này;
c) Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTT&DL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;
d) Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của luật này;
đ) Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ;
e) Gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại điều 9 và quy định khác của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
a) Triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm;
b) Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 điều này.
4. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Bộ VHTT&DL tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
6. Chính phủ quy định chi tiết các điểm b, c, d và đ khoản 2, điểm a khoản 3 và khoản 4 điều này.