Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nghiên cứu phương án hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc
Thứ ba, 27/12/2022 17:20
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nghiên cứu phương án hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc
Ngày 27/12, phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 7 khóa IX, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, "bức tranh" kinh tế-xã hội của đất nước năm 2022 với tốc độ tăng trưởng ước đạt khoảng 8%. Trong số 15 chỉ tiêu chủ yếu có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 2 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp cũng "ngấp nghé" mục tiêu đặt ra...
Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đã có 55 triệu lượt người được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, Chính phủ đã thực hiện sắp xếp lại bộ máy tổ chức, giảm 17 tổng cục, 145 vụ, ban thuộc các cơ quan hành chính, dành biên chế cho những chỗ cần thiết.
Phó Thủ tướng khẳng định, đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống khi trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020-2021) kinh tế cả thế giới lao đao, còn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,39%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ tăng trưởng 3 năm còn lại của nhiệm kỳ này và 7 năm còn lại cho đến mốc năm 2030 là vô cùng nặng nề để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra là tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã đi đúng hướng, đã tháo gỡ được một số nút thắt nhưng phải nhìn nhận đánh giá đúng những khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới những năm tới sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài,…
Từ đó ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải giãn việc, cho người lao động nghỉ việc do không có đơn hàng.
"Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày do đơn hàng xuất khẩu giảm", Phó Thủ tướng cho hay.
Phát triển nhanh hơn để đuổi kịp các nước
Ở trong nước, bên cạnh giải quyết những vấn đề mới, Chính phủ cũng dành nhiều thời gian để xử lý các vấn đề còn tồn đọng từ trước liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Dự báo trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn năm 2022, chỉ số lạm phát sẽ cao hơn một chút, Phó Thủ tướng cho rằng bằng những tiềm lực đã tích tụ được, chúng ta sẽ cố gắng duy trì, bảo đảm an sinh xã hội, điều chỉnh một số chính sách cho các đối tượng cần đặc biệt quan tâm.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ thêm 3 điểm nổi bật trong năm 2022. Đó là nhận thức vấn đề văn hóa-xã hội đã được nâng lên một tầm mức mới. Tới đây, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề văn hóa-xã hội bằng cách dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực; chú trọng đội ngũ cán bộ.
Thứ hai là sức mạnh đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát huy hiệu quả, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Các quy chế phối hợp, tham khảo ý kiến phản biện, xây dựng đối với các chủ trương, chính sách ngày càng thực chất và cần tiếp tục được đẩy mạnh, tạo đồng thuận trong thực hiện.
Thứ ba là chúng ta đã nắm bắt nhanh nhạy hơn xu thế của thế giới, đưa ra phản ứng chính sách kịp thời hơn trước những điều chỉnh chính sách của các nước.
Phó Thủ tướng lấy dẫn chứng như tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) 26, Việt Nam đã nắm bắt được xu thế, đi trước một bước khi cam kết đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nâng cao vị thế của đất nước không chỉ về chính trị...
Nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh hơn để đuổi kịp các nước, Phó Thủ tướng lưu ý, phải bền vững, lo cho môi trường, lo cho công bằng xã hội, "giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để nước sóng ra ngoài". Muốn vậy cần phải có sự quyết tâm và sáng tạo thì chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đề ra mà lúc đầu tưởng chừng rất khó, không thể nào đạt được.