Quy định mới về tiền lương, phụ cấp có hiệu lực từ năm 2023
Thứ ba, 27/12/2022 06:03
Quy định mới về tiền lương, phụ cấp có hiệu lực từ năm 2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 69, trong đó, có nhiều quy định mới về tiền lương, lương hưu, phụ cấp ưu đãi nghề, trợ cấp bảo hiểm xã hội có hiệu lực trong năm 2023.
Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Chế độ BHXH, hỗ trợ đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty Nhà nước
Nghị định 97 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 15/1/2023.
Trong đó, chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002 như sau:
- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 1 - 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:
+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
+ Trợ cấp 3 tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu.
+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.
- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 1 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:
+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;
+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.
- Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí…
Xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng
Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Về cách xếp lương, Thông tư nêu rõ, các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư này áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (đã được sửa đổi, bổ sung) như sau:
Ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
Ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Ngạch Kiểm soát viên ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
Ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Chế độ phụ cấp mới với cán bộ công đoàn
Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam quy định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ công đoàn các cấp có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) được xác định theo số lượng đoàn viên công đoàn, kết quả nộp đoàn phí công đoàn của năm trước liền kề, thực hiện theo khung số lượng đoàn viên.
Đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm Ủy viên Ban chấp hành công đoàn, Ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và thành viên Ban nữ công CĐCS.
Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ CĐCS được xác định theo số lao động bình quân tham gia bảo hiểm xã hội làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn trong phạm vi đơn vị quản lý của năm liền kề.
Cụ thể như sau: Mức chi phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hàng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).
Theo Quyết định số 5692, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và tương đương gồm Ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Ủy viên ủy ban kiểm tra LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công đoàn ngành Trung ương và tương đương;
Hệ số phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp tỉnh, cấp Trung ương và tương đương được xác định theo số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân để làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn trong đơn vị quản lý của năm trước.
Theo đó, số lao động bình quân dưới 300.000 đoàn viên thì hệ số uỷ viên ban chấp hành là 0,40, ủy viên uỷ ban kiểm tra là 0,30. Từ 300.000 đoàn viên trở lên thì hệ số phụ cấp trách nhiệm của ủy viên ban chấp hành là 0,45 và ủy viên ủy ban kiểm tra là 0,35.