'Quyết lỗ' hơn 26 tỷ đồng, nhà máy đường ở Hậu Giang tạm dừng hoạt động
Thứ ba, 24/10/2023 05:50
'Quyết lỗ' hơn 26 tỷ đồng, nhà máy đường ở Hậu Giang tạm dừng hoạt động
Ngày 23/10, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) xác nhận, Đại hội đồng cổ đông công ty này đã thông nhất thông qua phương án tạm dừng sản xuất năm 2023-2024 của Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).
“Sắp tới, chúng tôi sẽ có thông cáo báo chí, báo cáo gửi UBND tỉnh Hậu Giang. Tới thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa ký hợp đồng bao tiêu với người dân”, ông Chung thông tin.
Theo báo cáo của Casuco, vụ sản xuất 2022-2023, kế hoạch đề ra của công ty là đạt sản lượng 80.000 tấn mía, tuy nhiên kết quả thực hiện chỉ ép được hơn 14.500 tấn (đạt 18,14%).
Nguyên nhân sản lượng mía thiếu hụt trầm trọng xuất phát chủ yếu từ giá thu mua mía trên địa bàn diễn biến theo hướng bất lợi cho công ty, người dân ưu tiên bán mía ra ngoài vì giá cao.
Theo đó, người dân bán mía chục (mía nước) với giá 2.200-3.200 đồng/kg; bán cho mía lò thủ công 1.600-1.700 đồng/kg; bán đi Long An, Tây Ninh 1.400-1.470 đồng/kg; trong khi đó giá thu mua của Casuco từ 1.380-1.420 đồng/kg.
“Người dân sau khi bán mía chục và mía cho thương lái lại chây ỳ trong việc hoàn trả nợ đầu tư và lãi suất cho công ty, gây ra khó khăn trong thu hồi nợ. Lượng mía về nhà máy quá ít, không đạt công suất ép nước mía theo thiết kế dẫn đến hầu hết các chỉ tiêu sản xuất đều không đạt… Đây là vụ sản xuất kém nhất từ trước đến nay”, báo cáo nêu rõ.
Chọn “kịch bản tối ưu"
Theo Casuco, với niên vụ sản xuất 2023-2024, diện tích mía đủ điều kiện thu hoạch sẽ đạt hơn 1.500ha, với sản lượng gần 180.000 tấn. Tuy nhiên, công ty chưa thể dự kiến sản lượng thu mua cụ thể bởi việc này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào yếu tố giá thu mua.
Công ty đã đưa ra 2 phương án cho vụ sản xuất tiếp theo. Phương án 1, tiếp tục chạy nhà máy Phụng Hiệp với điều kiện giá thu mua mía tối thiểu bằng giá mía chục (tương ứng với mứa giá tối thiểu 2.200 đồng/kg ở thời điểm xây dựng phương án); sản lượng thu mua đảm bảo công suất dao động từ 2.300-2.500 tấn/ngày.
Phương án 2, tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp niên vụ 2023-2024. Tổng chi phí hạch toán khi tạm dừng sản xuất là hơn 26,5 tỷ đồng.
Casuco cho rằng nếu tiếp tục sản xuất thì các "kịch bản" đều lỗ và sẽ lỗ càng lớn khi sản lượng mía ép càng cao. Cụ thể, với sản lượng mía ép 75.000 tấn sẽ lỗ gần 59 tỷ đồng; 100.000 tấn thì lỗ hơn 67 tỷ đồng và 115.000 tấn sẽ lỗ hơn 71 tỷ đồng.
“Phân tích các kịch bản phương án sản xuất thì phương án tạm dừng nhà máy trong vụ 2023-2024 mang lại mức lỗ thấp nhất so với các kịch bản chạy nhà máy. Đồng thời, bám sát diễn biến thị trường để xây dựng kế hoạch phục hồi nguồn nguyên liệu, khi đủ điều kiện sẽ đưa nhà máy hoạt động trở lại”, báo cáo nêu.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết toàn huyện có khoảng 3.100 ha mía. Mấy năm nay người dân tập trung trồng để bán mía chục nên thu hoạch quanh năm, cho năng suất bình quân 60 tấn/ha. Năm nay được giá, mía chục dao động từ 2.500-2.800 đồng/kg.
Về việc nhà máy đường Phụng Hiệp dừng hoạt động, đại diện Phòng NN&PTNT cho rằng sẽ không ảnh hưởng lớn tới người dân, bởi chừng 2-3 năm nay, người dân trồng và chủ yếu bán mía chục, bán cho thương lái. Tuy nhiên, có thể xảy ra tình trạng thương lái ép giá với bà con.