Thế hệ doanh nghiệp viết tiếp hào khí Việt Nam
Thứ bảy, 24/12/2022 06:06
Thế hệ doanh nghiệp viết tiếp hào khí Việt Nam
Trong chương trình Đối thoại của Báo VietNamNet, ông Hoàng Nam Tiến nhắc lại chia sẻ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Cái ngón tay có thể bóp cò súng AK, giờ này có thể dùng bàn phím. Cái tay mà cầm quả lựu đạn, giờ này cũng có thể nắm được con chuột máy tính. Trí tuệ ngày xưa dành để đánh giặc, ngày nay trí tuệ dùng để chinh phục thế giới.
Ông Tiến tự hào kể rằng: “Ba tôi năm 1968 tại chiến trường Khe Sanh, mỗi một ngày là hàng chục 'pháo đài bay' B52 đến trên đầu ông. Đến năm 2012, tôi có mặt tại Seattle (Mỹ), nơi có nhà máy sản xuất những chiếc B52 ngày xưa. Ở đó, những chiếc Boeing 787 Dreamliner ngày hôm nay sơn màu cờ của Vietnam Airlines. Tôi đã sờ vào những chiếc máy bay đấy. Tôi cũng đến Viện Bảo tàng lịch sử và sờ những chiếc B52.
Ngày hôm nay, thế hệ trẻ hơn tôi nữa đang xây dựng những ứng dụng phần mềm mà chính những hãng như Boeing phải sử dụng. Mỗi một thế hệ có dấu ấn của mình và chúng tôi tin rằng những thế hệ trẻ chắc chắn sẽ vượt chúng tôi”.
Theo ông Tiến, từ ngày đầu, FPT đặt ra mục tiêu “Go global” (chinh phục thế giới). Hiện, FPT có gần 30.000 kỹ sư. Khi bắt đầu đi làm, khi đi ra nước ngoài chứng kiến sản phẩm của những công ty công nghiệp hàng đầu thế giới sử dụng các phần mềm của mình, FPT đặt mục tiêu lớn là đến ngày nào đấy phải tự làm được những sản phẩm “Make in Vietnam - Made by FPT”.
Đến nay, FPT bắt đầu làm được những sản phẩm thực sự thế giới đã phải dùng. Những hãng công nghiệp, những hãng công nghệ hàng đầu thế giới đã phải dùng. Các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để làm những sản phẩm như vậy. FPT tự hào sản xuất chip, những con chip được các kỹ sư Việt Nam thiết kế, 100% kỹ sư Việt Nam thiết kế.
Nhưng ông nhận xét, như thế "vẫn còn rất nhỏ”.
Theo ông Tiến, hào khí hôm nay không phải nói chuyện câu chữ mà người phải làm ra sản phẩm, phải làm ra dịch vụ, phải làm ra tiền, được quy về tiền bằng với thế giới.
"Chúng tôi có những đội ngũ tiên phong, hàng chục nghìn nhân viên đang làm được điều đó. Chỉ cách đây mười mấy năm nói về Big Data (dữ liệu lớn) hay AI (trí tuệ nhân tạo), hay blockchain, hôm nay chúng tôi nói được những điều mới hơn nữa rồi. Đấy là lợi thế của người đi sau".
Sự chinh phục
Năm 2022, Việt Nam dự kiến đạt thành tích xuất sắc về xuất khẩu với tổng kim ngạch hai chiều là 700 tỷ USD.
Ông Tiến cho rằng: “Chúng ta sẽ không chỉ xuất khẩu những sản phẩm đang làm như điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử do những hãng nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam, chúng ta không chỉ xuất khẩu những hạt gạo, những con tôm, rau xanh ra nước ngoài, chúng ta còn xuất khẩu được nhiều hơn thế. Nhưng bây giờ, không thể dùng chữ 'xuất khẩu', mà phải nói về sự “chinh phục”.
Ông Hoàng Nam Tiến là con trai út của Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đan. Với ông Tiến, bài học sâu sắc nhất từ cha mình và từ những vị tướng trong quân đội chính là bài học về niềm tin chiến thắng.
“Cái đích đến năm 2045 - một Việt Nam hùng cường thịnh vượng cũng rất nhanh. Muốn đến 2045, chúng ta phải đến 2025 rồi 2035. Và quan trọng hơn, cần nói đến ngày mai chúng ta sẽ làm gì?", ông Tiến nhấn mạnh.