Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng
Thứ sáu, 06/12/2024 18:40
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng
Ngày 6/12, Tạp chí Đầu tư tài chính tổ chức Hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025".
Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, trong buổi làm việc mới đây, FTSE Russell, đơn vị xếp hạng thị trường, khẳng định Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK).
Hai tiêu chí cần cải thiện bao gồm việc gỡ bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) phải ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding) và xử lý giao dịch không thành công (failed trade management).
Đối với tiêu chí thứ nhất, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC với nội dung quan trọng là bỏ yêu cầu bắt buộc ký quỹ đối với NĐTNN.
Với tiêu chí cuối cùng để nâng hạng là xử lý giao dịch không thành công, theo bà Bình, giải pháp áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CPP).
Các quy định mới trong Luật Chứng khoán vừa được thông qua đã mở đường cho ngành chứng khoán tiếp tục triển khai các giải pháp nâng hạng theo tiêu chuẩn MSCI. Tới tháng 6/2024, TTCK Việt Nam đã đáp ứng 10/18 tiêu chí.
Một số tiêu chí còn cần cải thiện như mức giới hạn sở hữu nước ngoài, mức sở hữu nước ngoài còn lại và mức độ tự do hóa của thị trường hối đoái chưa đáp ứng…
Bà Bình khẳng định, với những cải cách về thể chế, thị trường sẽ đón nhận dòng vốn lớn đổ về. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về sức ép lên hệ thống với khối lượng, giá trị giao dịch lớn, tần suất giao dịch nhanh hơn.
“Tần suất giao dịch thường xuyên và liên tục hơn, có thể gây ra áp lực không nhỏ đối với hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ, thanh toán. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ có đủ sức đáp ứng lượng giao dịch lớn như vậy hay không”, bà Bình cho hay.
Theo bà Bình, áp lực duy trì nâng hạng khi đã đạt tiêu chí xếp hạng mới cũng sẽ là một thách thức đối với các bên liên quan. TTCK Pakistan từng được nâng hạng nhưng rồi lại bị đưa xuống thị trường cận biên.
Theo ông Tô Trần Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), Thông tư 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán.
Thông tư đã bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu câu có đủ tiền khi đặt lệnh của NĐTNN là tổ chức và đề ra lộ trình triển khai công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh.
Đây là căn cứ pháp lý cho NĐTNN tham gia vào TTCK Việt Nam với chi phí thấp hơn nhưng lại giảm thiểu các rủi với các nhà đầu tư.
Ngày 29/11, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, tập trung vào 3 nhóm chính sách là: nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát, tiếp tục hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vì gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành.
“Đây là những quy định thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm đảm bảo nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán”, ông Hoà nói.
Năm 2025 nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường chứng khoán, ông Hoà cho biết, UBCKNN sẽ tiếp tục tục ưu tiên tập trung vào các giải pháp để hoàn thành mục tiêu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán.
Đồng thời, tiếp tục triên khai các giải pháp đã đề ra tại chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam là “cuộc chiến” giữa 9 triệu tài khoản cá nhân, trong đó 3-4 triệu nhà đầu tư cá nhân, với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy cần chăm lo về tính minh bạch thông tin, thúc đẩy các quỹ đầu tư trong nước để “đấu tranh” với NĐT nước ngoài. NĐT nước ngoài rất lười cắt lỗ, nhưng NĐT cá nhân đang lỗ (giai đoạn 2021 và đầu 2024). Do NĐT nước ngoài đầu tư qua các quỹ, đầu tư lâu dài nên họ rất ít khi lỗ, còn ở thời điểm hiện tại NĐT cá nhân thì dễ lỗ hơn, một phần do tư duy “lướt sóng”. |