'Thu hồi đất đừng để người dân nhận bồi thường giá bèo'

'Thu hồi đất đừng để người dân nhận bồi thường giá bèo'

Chiều 6/3, Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Nhiều ý kiến góp ý xoay quanh câu chuyện thu hồi đất, giá đền bù cũng như vấn đề quy hoạch đất đai.

Bồi thường theo giá thị trường

Quan tâm đến việc định giá đất, PGS.TS Phạm Hữu Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu thực tế hiện nay, sự chênh lệch giữa giá đất đền bù khi nhà nước thu hồi đất và giá đất sau khi chuyển đổi, đưa vào kinh doanh đang tạo ra các kẽ hở.

Vì vậy, việc dự thảo luật quy định giá đất theo giá thị trường là điều người dân mong đợi vì sẽ khắc phục được sự chênh lệch này. Ông mong luật lần này làm sao để người dân không bị thiệt thòi, không phải nhận bồi thường giá bèo trong khi giá đất sau thu hồi đưa vào kinh doanh lại tăng gấp nhiều lần.

PGS.TS Phạm Hữu Tiến. Ảnh: Minh Đạt

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Hào Quang lại băn khoăn, việc quy định nhà nước bồi thường theo nguyên tắc thị trường như dự thảo luật là chưa rõ, khó thực hiện.

Bởi theo ông, nguyên tắc thị trường là thuận mua vừa bán nhưng để nhà nước và chủ sở hữu đất tranh luận xem giá là bao nhiêu thì mất nhiều thời gian và khó đạt được sự đồng thuận. Do đó luật lần này cần quy định rõ, nhà nước bồi thường đất theo giá thị trường.

PGS.TS Lê Vân Trình cũng cho rằng, dự thảo chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, trong khi rõ ràng thị trường đất ở Việt Nam chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ khá phổ biến, ảnh hưởng toàn bộ thị trường.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ thế nào là giá phổ biến trên thị trường bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất.

Ông cũng nêu thực tế hiện nay, khi đất nông nghiệp bị thu hồi thì giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất thương mại và đất ở sau khi đã chuyển đổi mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc nông dân đòi quyền lợi và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.

GS.TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng lưu ý, thực tế hiện nay có những khu đô thị bỏ hoang rất nhiều, nhưng khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân chỉ đền bù 20.000 - 25.000 đồng/sào.

Cho rằng như vậy là không công bằng với người nông dân, ông Long đề nghị, Luật Đất đai sửa đổi lần này cần có các quy quan tâm tới thu hồi đất nông nghiệp để khắc phục tình trạng này.

Tránh việc lấy ý kiến người dân "chỉ để chơi"

Góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, PGS.TS Phạm Hữu Tiến nhấn mạnh, điều người dân mong mỏi là làm sao việc lập quy hoạch, kế hoạch phải công khai, công tâm, căn cứ vào nhu cầu phát triển địa phương cũng như cả nước, tránh tiêu cực.

Ông Tiến nêu thực tế ở một số nơi hiện nay, việc khoanh vùng đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch hầu như không ai biết. Việc quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương đang rất chủ quan, không biết có cần thiết không, nhiều khi khoanh vào rồi để đấy, không ai sử dụng đến. Chính điều này làm người dân bức xúc, trong khi “tấc đất, tấc vàng”. 

Trong khi đó, luật lại không quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này. Chính điều này đã tạo thành kẽ hở dẫn đến tham nhũng, trục lợi trong lĩnh vực đất đai.

Theo PGS.TS Phạm Hữu Tiến, dự thảo cần đặt ra câu hỏi việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ trước đến nay đã hiệu quả chưa? Vì sao nhiều dự án đất để không sau khi quy hoạch đến cả chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng?

“Đây là điều rất đáng tiếc, gây lãng phí và bức xúc", ông Tiến lưu ý và đề nghị dự thảo bổ sung thêm thiết chế công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Đồng thời cần có biện pháp giảm thiểu tác động bởi nguyện vọng, động cơ, lợi ích không chính đáng; đảm bảo quy hoạch phải đúng mục đích an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội.

Dự thảo luật cũng cần bổ sung thêm quy định xử lý đối với cơ quan quản lý Nhà nước có tính không thực hiện nghĩa vụ công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc để tình trạng tiêu cực xảy ra.

GS.TS Trần Đình Long. Ảnh: Minh Đạt

Cùng mối quan tâm, GS.TS Trần Đình Long cho rằng dự thảo luật quy định việc lấy ý kiến người dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nghe "rất oách" nhưng để người dân biết được ô đất này quy hoạch cho việc gì thì rất khó. Thực tế chỉ đến khi chuẩn bị thực hiện, vẽ bản đồ, người dân mới biết.

Vì vậy, ông đề nghị dự thảo nên quy định cụ thể tỷ lệ người dân đồng thuận đối với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và coi đây là nội dung bắt buộc, thay cho việc đơn thuần "lấy ý kiến"và cũng để tránh việc lấy ý kiến người dân "chỉ để chơi".

Thu hồi đất tránh chuyện 'công cộng hóa' mục đích thương mại

Thu hồi đất tránh chuyện 'công cộng hóa' mục đích thương mại

Việc thu hồi đất vì mục đích công cộng thông qua cơ chế riêng có thể bị lợi dụng để thu hồi đất đai phục vụ cho nhu cầu thương mại, nói cách khác là "công cộng hóa" mục đích thương mại.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Dự báo thời tiết 7/1/2025: Miền Bắc có mưa đêm, Nam Bộ gió đông bắc

Dự báo thời tiết 7/1/2025: Miền Bắc có mưa đêm, Nam Bộ gió đông bắc

Đám cưới viên mãn của vợ chồng trẻ có 5 con ở Thanh Hóa

Đám cưới viên mãn của vợ chồng trẻ có 5 con ở Thanh Hóa

Ngân hàng hạ giá trăm tỷ một lô 'đất vàng' ở Đà Nẵng

Ngân hàng hạ giá trăm tỷ một lô 'đất vàng' ở Đà Nẵng