Thủ phủ cam bù vẫn chưa vào vụ, nông dân thất thu cả trăm triệu đồng
Chủ nhật, 15/01/2023 06:13
Thủ phủ cam bù vẫn chưa vào vụ, nông dân thất thu cả trăm triệu đồng
Như lệ thường, cứ vào đầu tháng Chạp hàng năm, cam bù Sơn Trường (Hương Sơn) chín vàng cả sườn đồi và theo thương lái có mặt khắp thị trường, từ chợ quê đến chợ tỉnh. Tuy nhiên, năm nay mặc dù đã cận Tết nhưng cam bù vẫn chưa vào vụ thu hoạch, năng suất thấp, quả lại nhỏ, khiến thu nhập của người dân giảm sút nặng.
Trồng 100 gốc cam bù trên diện tích 1,7ha, năm 2022, gia đình bà Lê Thị Lý (trú tại thôn 9, xã Sơn Trường) hết sức vui mừng bởi vườn cam sai trĩu quả. Không những thế, cam lại chín đúng thời vụ, bán được giá, đem lại thu nhập cao.
Bà Lý cho biết, thời điểm này của năm ngoái, cam bù đã chín đỏ khúc đồi, trong làng tấp nập người mua kẻ bán. Ban ngày, người dân đi hái cam, tối về đưa ra đường mòn để bán nên đã hình thành nên chợ đêm dịp Tết. 100 gốc cam bù của gia đình cho 8 tấn quả, cây ít thì 50kg, cây nhiều thì 2 tạ, thu nhập khoảng trên 150 triệu đồng.
“Năm nay, cam bù còn xanh nên vắng bóng thương lái, vì thế chợ đêm cũng chưa được họp. Hơn nữa, cam rất ít quả và quả lại nhỏ, cây nhiều thì cho 1 yến, cây ít chỉ 5kg, thậm chí có những gốc không có quả nào. Dự kiến cả vườn chỉ được hơn 1 tấn cam, thất thu cả trăm triệu đồng”, bà Lý buồn rầu nói.
Không riêng gia đình bà Lý, người dân xã Sơn Trường đứng ngồi không yên vì cam bù đã mất mùa lại chín muộn, sợ không kịp bán lấy tiền tiêu Tết.
Cả vườn cam bù trên 400 gốc của ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 9 xã Sơn Trường) chỉ lác đác quả. Cây cho quả thì lại rất nhỏ, có bán giá cũng rất bèo bọt.
Ông Thắng chia sẻ, năm ngoái đồi cam của gia đình cho khoảng 15 tấn quả. Khi thương lái báo mua, gia đình phải thuê 9-10 người hái mới kịp. Năm nay, cả vườn cam chỉ được khoảng 2 tấn, thất thu lớn.
Như vậy, với giá cam bù trên thị trường thấp nhất cũng 20.000 đồng/kg (loại đẹp lên tới 30.000-35.000 đồng/kg), thì việc giảm sản lượng hơn 10 tấn cam, tính sơ sơ thu nhập của gia đình ông "bay" cả 200 triệu so với năm ngoái.
Theo ông Thắng, năm ngoái quả sai lúc lỉu nên hái đến ra Giêng mới xong. Cũng do nhiều quả, cành sà xuống phủ kín cả gốc cây nên không bón phân được, khi hái xong mới bón thì hơi muộn.
Do quả sai quá khiến cành trĩu xuống làm nổ chân cành (vỏ cây bị nứt - PV), làm cây tổn thương khá lớn. Những cây chết đã đành, cây còn sống màu lá cũng kém hơn, mặc dù bón nhiều phân nhưng không lại. Đây là tình trạng chung của vườn cam nhà ông.
Cũng tình cảnh cam bù mất mùa, chín muộn nhưng anh Nguyễn Văn Dần (SN 1973, trú tại xóm 5 xã Sơn Trường) có phần đỡ phiền lòng hơn so với những hộ khác. Vườn cam 400 gốc của anh năm ngoái được 18 tấn, năm nay được khoảng 9 tấn.
Nói về kết quả khác biệt so với người dân trong vùng, anh Dần lý giải: “Năm ngoái, cam rất sai, tuy nhiên trong quá trình ra hoa, đậu quả tôi đã hái bỏ bớt, không để quá nhiều khiến cây quá sức, dẫn đến bị yếu, ảnh hưởng mùa vụ tiếp theo”.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Văn Niềm, Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Trường, thông tin, toàn xã có tổng diện tích khoảng 430ha trồng cam, trong đó chủ yếu là cam bù với 380ha. Sản lượng cam bù năm 2022 đạt khoảng 4.700 tấn, doanh thu khoảng 100 tỷ đồng.
Nếu tính diện tích trồng cam nói chung thì Sơn Trường không phải là lớn nhất, nhưng diện tích trồng cam bù tại đây lớn nhất huyện Hương Sơn.
Về nguyên nhân cam bù năm nay quả nhỏ, chín muộn, năng suất thấp, ông Niềm cho hay, là do năm ngoái quá sai, thu hoạch kéo dài ra sau Tết, hơn nữa thời tiết không thuận lợi nên không bón phân được. Khi nắng ấm bón thì cây lại không hấp thụ được, dẫn đến vàng lá trên diện rộng.
“Thông thường cứ vào mùa xuân, khi trời chớm Tết là cây ra hoa. Năm ngoái vào thời điểm ra lộc thì chưa thu hoạch xong nên quả đậu rất ít. Người dân lại không tỉa trái, bình quân mỗi cây chỉ nên để 100 quả, nhưng ra tới 150-200 quả vẫn không bỏ bớt làm cây yếu. Những vườn năm ngoái được 9-10 tấn thì năm nay chỉ được 1,5-2 tấn cam, mất trên 80%”, ông Niềm nói.