Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chăn nuôi thua lỗ, ‘ăn’ hết cả sổ đỏ, cả xe

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chăn nuôi thua lỗ, ‘ăn’ hết cả sổ đỏ, cả xe

2 năm gồng mình

Báo cáo về tình hình phát triển đàn gia súc gia cầm của nước ta cho thấy, 5 năm trở lại đây, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt 4,5-6%/năm. Sản lượng thịt từ 6,6 triệu tấn năm 2018, đến 2022 tăng lên gần 7,36 triệu tấn. 

Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), những năm qua, chăn nuôi lợn có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng thịt, giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả lợn châu Phi sau đó phục hồi đạt 29,1 triệu con vào năm 2022. Năm 2022, chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 thế giới về sản lượng thịt hơi. 

Việt Nam cũng là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. 

Tính đến hết tháng 9/2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 1,74 triệu tấn, tăng 6%; trứng gia cầm đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6%...

chan-nuoi.jpg
Việt Nam là một trong những quốc gia có đàn gia cầm đứng đầu thế giới (Ảnh: Anh Sinh)

Dù vậy, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều hạn chế và khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023, giá các sản phẩm chăn nuôi biến động rất lớn, nhưng giá thực phẩm lại không có nhiều biến động. Từ đó có thể thấy sự phân chia lợi nhuận là chưa đảm bảo, ông nhìn nhận.

Khái quát về bức tranh ngành chăn nuôi gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho biết, 2 năm qua ngành chăn nuôi phải “gồng mình” vượt qua khó khăn do khủng hoảng thị trường, hậu Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã. Chưa khi nào người chăn nuôi bi quan, lao đao như bây giờ. Kể cả những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm cũng bị thua lỗ nặng hàng trăm tỷ đồng.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, thừa nhận thời gian qua giá cả lên xuống thất thường, dịch bệnh hoành hành, hàng lậu tràn vào khiến người nuôi thua lỗ nặng.

Hàng triệu hộ chăn nuôi chịu cảnh đau thương

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, chăn nuôi muốn phát triển bền vững phải tăng trưởng ổn định, phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các tác nhân tham gia và cả người tiêu dùng. 

Muốn vậy, phải kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, môi trường, thị trường, tổ chức các chuỗi liên kết. 

Về triển khai chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, theo ông Dương, Bộ NN-PTNT cần xem xét lại. Bởi sau Covid-19, sau dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là khi hội nhập thì vấn đề thị trường chăn nuôi trong nước đã thay đổi về cơ cấu đàn, cơ cấu sản phẩm. 

“Chúng ta không nghĩ chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ lẻ bị thay thế nhanh đến vậy. Nhiều người nói đây là quy luật tất yếu nhưng thực ra không phải”. Ông nói và dẫn chứng, Hàn Quốc mất 40 năm, từ hơn 600.000 trang trại mới thu về 6.000 trang trại. Ở nước ta, chỉ vài ba năm nếu không kiểm soát tốt, chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ lẻ sẽ không còn nữa. 

chan nuoi lon.png
Những năm gần đây, người chăn nuôi liên tục phải bán lợn dưới giá thành, chịu lỗ nặng (Ảnh: TL)

Đây là sinh kế của người dân, quyền lợi chính đáng của người dân phải được quan tâm và bảo vệ. Do đó, phải ngăn chặn hàng lậu, kiểm soát tốt hàng nhập khẩu. Ông Dương nhấn mạnh, vấn đề này vô cùng quan trọng. Không kiểm soát được thì không bảo vệ được thị trường, sản xuất không có thị trường là "chết". 

“Những năm gần đây, sản phẩm chăn nuôi đều khó tiêu thụ, phải bán dưới giá thành, trong khi nhập khẩu lại tăng lên, đặc biệt vấn đề nhập lậu. Hàng triệu người nông dân chịu đau thương”, ông cho hay.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thông tin nước ta 1 năm giết mổ khoảng 49-51 triệu con lợn, khoảng 2 tỷ con gia cầm, trứng khoảng 18 tỷ quả... Quy mô phát triển ngành chăn nuôi vô cùng quan trọng khi có tới 6 triệu hộ nông dân gắn bó với lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ thực trạng mấy năm nay chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, thua lỗ không chịu nổi dẫn đến phá sản. Chăn nuôi “ăn” hết cả vào sổ đỏ, “ăn” hết vào xe. 

Đây là lĩnh vực chủ lực trong ngành nông nghiệp, nhưng sức chống đỡ yếu ớt, ảnh hướng đến sức cạnh tranh. Nếu tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó thu hút các doanh nghiệp FDI chăn nuôi đầu tư.

Để ngành chăn nuôi lớn mạnh và trụ vững, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phải có một ngành công nghiệp giống, vì giống quyết định năng suất, chất lượng.

Cùng với đó là phát triển công nghiệp thức ăn. Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 4 tỷ USD, song nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên tới trên 7 tỷ USD. Thứ trưởng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng trong vấn đề tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, không thể nhập mãi. 

Ngoài ra, chăn nuôi muốn giá trị gia tăng cao không cách nào khác là phải tăng cường chế biến sâu, như ông từng cảnh báo là ngày nào cũng chỉ nghĩ đến thịt luộc, kho tàu và mấy món khác... thì không thể ăn hết được.

Lợn gà lậu tấn công, người chăn nuôi lao đao, doanh nghiệp lỗ nặngNgành chăn nuôi đã phải gồng mình vượt khủng hoảng, nhưng lợn và gà lậu tràn về khiến thị trường thêm khó khăn. Chưa khi nào người chăn nuôi lại bi quan và lao đao như bây giờ.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Biến 'mảnh gỗ khô' thành tác phẩm độc lạ, chàng trai Thái Nguyên thu bạc triệu

Biến 'mảnh gỗ khô' thành tác phẩm độc lạ, chàng trai Thái Nguyên thu bạc triệu

Dự báo giá vàng 10 ngày tới: Bị 'sa lầy', cửa nào giúp vàng bứt phá?

Dự báo giá vàng 10 ngày tới: Bị 'sa lầy', cửa nào giúp vàng bứt phá?

Vì sao nhà hướng Nam được coi là tốt nhất?

Vì sao nhà hướng Nam được coi là tốt nhất?