Tiền mặt là 'vua’, ông lớn đút két tỷ USD, vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Thứ bảy, 19/11/2022 06:36
Tiền mặt là 'vua’, ông lớn đút két tỷ USD, vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Doanh nghiệp bất động sản “đút két” nhiều tiền
CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) của Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ vừa thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2022, với tỷ lệ tối đa 12%, tương ứng 1.200 đồng/cp.
Với hơn 668 triệu cổ phiếu lưu hành, TCH sẽ chi hơn 800 tỷ đồng trả cổ tức. Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ và vợ sẽ nhận về hơn 350 tỷ đồng cổ tức.
Đây là thông tin đáng chú ý trong bối cảnh trên thị trường ghi nhận nhiều câu chuyện thiếu tiền, yếu thanh khoản và lãi suất tăng cao trên hệ thống ngân hàng, có nơi lên trên 10%/năm.
Theo báo cáo tài chính, tới cuối tháng 9/2022, TCH có hơn 7.800 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cũng như tiền đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. TCH trước hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, nhập khẩu ô tô và vài năm qua là bất động sản.
Gần đây, câu chuyện thiếu tiền và trái phiếu doanh nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lao đao, nhất là trong bối cảnh room tín dụng trên hệ thống ngân hàng gần như đã kịch trần 14%.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp BĐS có lượng tiền mặt rất lớn nhờ các đợt bán hàng thành công trước khi thị trường BĐS trầm lắng.
Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lượng tiền rất lớn, lên đến 28.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo, tính tới cuối quý III/2022, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có gần 26.500 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng mạnh so với mức xấp xỉ 18.400 tỷ đồng hồi cuối 2021. Bên cạnh đó, số tiền đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn đạt gần 2.200 tỷ đồng.
Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 15.914 tỷ đồng, trong đó hơn 14.743 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, tăng mạnh so với mức 4.626 tỷ đồng hồi cuối 2021. Bên cạnh đó, số tiền đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn đạt 1.171 tỷ đồng.
Ngoài Vingroup và Vinhomes, một số doanh nghiệp BĐS có lượng tiền lớn như Novaland (22.200 tỷ đồng), Sonadezi (4.260 tỷ đồng), Nam Long (4.178 tỷ đồng), Khang Điền (2.755 tỷ đồng), DIC Corp. (2.060 tỷ đồng),...
Bảo Việt, Hòa Phát lọt top đầu
Tuy nhiên, quán quân tiền mặt thuộc về Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với gần 100.000 tỷ đồng, trong đó khoản tiền gửi ngân hàng lên tới 97.600 tỷ đồng và gần 2.256 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền tính tới hết quý III/2022.
Tới cuối quý III/2022, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long nắm giữ lượng tiền 38.911 tỷ đồng, trong đó có 27.030 tỷ đồng gửi gửi ngân hàng và 11.881 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.
Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) xếp thứ 3 với tổng cộng 36.000 tỷ đồng, trong đó có 25.794 tỷ ở dạng đầu tư nắm đến ngày đáo hạn và 10.206 tỷ đồng khoản tiền và tương đương tiền.
Ông lớn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cũng là doanh nghiệp có lượng tiền lên tới 33.265 tỷ đồng, trong đó có 31.807 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 1.458 tỷ đồng tiền và tương đương tiền tính tới cuối tháng 9/2022.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), FPT, Sabeco, Vinamilk, Petrolimex là các doanh nghiệp tiếp theo với lượng tiền lần lượt là: 26.500 tỷ đồng, 24.100 tỷ đồng, 23.500 tỷ đồng, 22.400 tỷ đồng và 18.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (VEA) có tổng cộng gần 17.700 tỷ đồng, trong đó 14.927 tỷ đồng dưới dạng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và 2.761 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Tổng cộng, top 10 doanh nghiệp nắm giữ gần 400.000 tỷ đồng. Đây là lợi thế lớn khi thị trường thiếu tiền và lãi suất tiền gửi tăng nhanh gần đây, một số nơi lên trên 10%/năm. Tiền mặt được xem là “vua” khi giá nhiều loại tài sản giảm.