TP.HCM: Bãi ngầm 'trên giấy', ưu tiên nhà đỗ xe cao tầng

TP.HCM: Bãi ngầm 'trên giấy', ưu tiên nhà đỗ xe cao tầng

Gia tăng kẹt xe vì khan hiếm chỗ đậu ở trung tâm TP

Đầu giờ chiều 27/10, anh Lê Minh Quân, lái xe cho một doanh nghiệp ở quận 12 bật đèn khẩn cấp dừng trên đường Hàn Thuyên, đoạn gần giao lộ Pasteur (quận 1) để đợi lãnh đạo làm việc với đối tác ở gần đó. 

Thiếu bãi đỗ xe giữa trung tâm TP, người dân cho ô tô đậu tràn lan chiếm vỉa hè của người đi bộ 

Tuyến đường này có đặt biển báo cấm đỗ xe nhưng anh Quân cùng hàng dài ô tô khác vẫn đánh liều bật đèn khẩn cấp để dừng đậu xe. Nam tài xế phân trần, thường xuyên vào trung tâm quận 1 chở sếp đi làm việc với đối tác nhưng kiếm chỗ đỗ xe rất khó khăn. 

"Nhiều hôm mình chạy vòng vèo cả tiếng xung quanh quận 1 chỉ để tìm kiếm chỗ đỗ nhưng không tìm được. Như hôm nay, mình tìm mãi không ra nên đành phải bật đèn khẩn cấp dừng tạm. Biết là dừng thế này ảnh hưởng đến nhiều người tham gia giao thông khác nhưng không còn cách nào"- anh Quân ái ngại nói.

Cũng tài xế Quân, việc thiếu bãi đỗ xe khiến tài chạy vòng trên các tuyến đường gây tốn kém thời gian, nhiên liệu đồng thời tạo ra luồng “giao thông động” góp phần cùng các loại phương tiện khác gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài.

Rảo quanh các công viên Lê Văn Tám, 23-9 ở trung tâm quận 1, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hàng trăm ôtô xếp hàng đôi đỗ dài phía trước cổng. 

Còn tại các trục đường như đường Pasteur, Nguyễn Công Trứ, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhiệm, Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng... đều có biển cấm đỗ xe nhưng nhiều tài xế vẫn bật đèn khẩn cấp để dừng đỗ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. 

Lượng xe cá nhân tăng cao trong điều kiện khan hiếm bãi đỗ buộc chủ phương tiện phải chạy lòng vòng trên đường làm gia tăng ùn tắc giao thông ở trung tâm TP.HCM

Thống kê của Sở GTVT TP, hiện nay TP.HCM đang quản 8,7 triệu phương tiện, trong đó có hơn 850.000 ô tô và gần 7,8 triệu xe mô tô. Lượng phương tiện tăng nhanh, bình quân mỗi ngày có khoảng 221 ô tô và 804 mô tô đăng ký mới. 

Cách đây 10 năm, dự báo nhu cầu đỗ xe cá nhân tăng cao nên TP.HCM từng quy hoạch nhiều bãi đậu xe ngầm trên địa bàn quận 1. Trong số đó có các bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng tại Sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Sân vận động Hoa Lư. 

Thế nhưng, sau nhiều năm, đến nay các dự án này vẫn chỉ 'nằm trên giấy', do chi phí xây loại bãi đỗ xe này khá đắt đỏ, theo ước tính đắt gấp 4,5 lần so với bãi xe nổi. Thực tế có dự án đã động thổ, lên kế hoạch khởi công nhưng sau đó bị thu hồi.

Chủ đầu tư dự án bãi xe ngầm sân khấu Trống Đồng từng ngán ngẩm cho biết, bãi giữ xe ngầm thi công phức tạp, kéo dài nhiều thời gian nhưng khả năng thu hồi vốn rất chậm; với giá giữ xe được quy định hiện nay, 120 năm nữa vẫn chưa thể thu hồi vốn của dự án.

Cơ hội cho nhà giữ xe cao tầng

Nhu cầu đi lại của người dân là chính đáng, cần được tạo điều kiện để thực hiện. Vậy khi TP  thiếu bãi đậu xe ở khu trung tâm, trong khi lòng đường, lề đường thì bị xử phạt vậy các phương tiện có thể dừng đậu ở đâu. 

Mới đây, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ xây dựng phương án thí điểm thực hiện công trình đỗ xe cao tầng lắp ghép tại đường Lê Lai, sát công viên 23/9 (quận 1). Vị trí này hiện đang được tổ chức đỗ xe ô tô có thu phí.

Phương án đầu tư gồm lắp đặt 4 mô-đun đỗ xe ô tô dạng xoay tròn, sức chứa tổng cộng khoảng 48 ô tô và lắp đặt 1 mô-đun đỗ xe 2 bánh có sức chứa khoảng 80 xe.

Ngoài ra, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng vừa giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ nghiên cứu phương án thực hiện công trình đỗ xe cao tầng lắp ghép tại Bến xe Chợ Lớn, Bến xe Quận 8.

Nhà giữ xe TCP ở ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất là một công trình nhà giữ xe cao tầng lắp ghép điển hình có sức chứa 10.000 ôtô

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), cho biết hiện tại, TP.HCM cũng đã có một số bãi đậu cao tầng như công trình số 71 Chế Lan Viên, quận Tân Phú (chứa 2.800 ôtô, xe máy); bãi đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất (10.000 ôtô, xe máy, xe đạp) hoạt động hiệu quả. Các bãi xe thông minh cao tầng lắp ghép có ưu điểm chiếm ít diện tích, chi phí thấp hơn so với xây dựng bãi xe ngầm, thi công nhanh.

"Hệ thống cũng dễ lắp đặt và có thể tăng số lượng nơi đỗ xe bằng cách lắp ghép các block lại với nhau. Khi cần cũng dễ dàng tháo dỡ, di dời", ông Đường nói và cho hay Sở GTVT đang nghiên cứu, hoàn thiện các phương án báo cáo UBND TP xin chủ trương thực hiện.

TP.HCM tính thí điểm làm bãi đỗ xe cao tầng ở trung tâm quận 1TP.HCM tính thí điểm nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có sức chứa 48 ô tô và 80 xe máy tại khu đất trên đường Lê Lai, sát công viên 23/9, nơi đang tổ chức đỗ ô tô có thu phí.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành

Phim 'Công tử Bạc Liêu': Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ

Phim 'Công tử Bạc Liêu': Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ

Giá vàng hôm nay 22/12/2024 giảm, trong nước ngược chiều đi lên

Giá vàng hôm nay 22/12/2024 giảm, trong nước ngược chiều đi lên