Trung Quốc mạnh tay gom mua 212 nghìn tấn, xuất khẩu sắn bật tăng mạnh
Thứ tư, 20/09/2023 06:13
Trung Quốc mạnh tay gom mua 212 nghìn tấn, xuất khẩu sắn bật tăng mạnh
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8 vừa qua, nước ta xuất khẩu 221,3 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt 103,26 triệu USD, tăng mạnh 52,4% về lượng và tăng 43,7% về giá trị so với tháng 7/2023. So với tháng 8/2022, xuất khẩu mặt hàng này tăng 7% về lượng và tăng 6,6% về giá trị.
Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương sau 5 tháng giảm liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do khách hàng lớn nhất là Trung Quốc mạnh tay gom mua, chiếm gần 96% tổng lượng sắn xuất khẩu của nước ta trong tháng 8.
Cụ thể, trong tháng 8, Trung Quốc đã chi ra 98,04 triệu USD để mua 212,23 nghìn tấn sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam, tăng 56,1% về lượng và tăng 47,2% về giá trị so với tháng 7/2023; so với tháng 8/2022 tăng 9,6% về lượng và tăng 7,9% về trị giá.
Song, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn chỉ đạt mức 466,7 USD/tấn, giảm 5,7% so với tháng 7/2023 và giảm 0,4% so với tháng 8/2022.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,86 triệu tấn, thu về 768,76 triệu USD, vẫn giảm 12,4% về lượng và giảm 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,69 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, giá trị 687,24 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng năm 2023, mặc dù lượng sắn xuất khẩu giảm nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 34,8%; sang Malaysia tăng mạnh 86,4%; thị trường Nhật Bản tăng đột biến 269,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian tới, dự báo nhu cầu với mặt hàng này từ các nhà nhập khẩu vẫn cao, do các nước tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Song, nguồn cung suy giảm trong bối cảnh diện tích trồng sắn ở một số tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá, ảnh hưởng đến năng suất sắn vụ mới năm 2023. Thế nên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn Việt Nam sẽ khó tăng mạnh.
Từ đầu tháng 9/2023 đến nay, giá sắn tươi tại Tây Ninh tiếp tục tăng nhẹ, trong khi giá tinh bột thành phẩm cũng được điều chỉnh tăng theo đà tăng của giá nguyên liệu, lên mức bình quân 12.500 đồng/kg với hàng xuất khẩu và phổ biến 12.800 đồng/kg với hàng bán nội địa.
Nguồn cung sắn củ tươi của miền Bắc có thể chưa bị ảnh hưởng trong giai đoạn cuối năm 2023, nhưng sẽ giảm sản lượng hoặc hết sớm hơn mọi năm. Trong khi, nguồn cung tinh bột sắn của các nhà máy phía Bắc dự kiến sẽ nhiều hơn kể từ cuối tháng 10 tới.
Một số lô hàng tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn đã được phía Trung Quốc chốt mua với giá cao nhất là 4.300-4.350 NDT/tấn.
Nhu cầu mua sắn lát của Trung Quốc sôi động hơn khi các nhà máy chuẩn bị nguồn hàng cho sản xuất hàng hóa cuối năm, nhưng giá xuất khẩu chưa tăng cao do đồng Nhân dận tệ mất giá mạnh và giá ngô thế giới thấp.
Nhu cầu hỏi mua tinh bột sắn của Trung Quốc nhiều hơn trong bối cảnh sản lượng tinh bột sắn vụ mới của Việt Nam và Thái Lan ra thị trường thấp hơn và muộn hơn so với kỳ vọng trước đó.