Ùn tắc giao thông ở Hà Nội là do ‘thả rông’ phương tiện cá nhân?
Thứ sáu, 06/12/2024 05:30
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội là do ‘thả rông’ phương tiện cá nhân?
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra ngày 4/12, thảo luận tại tổ, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, vấn đề cốt lõi để xử lý ùn tắc giao thông hiện nay ở Thủ đô là quản lý phương tiện cá nhân.
Theo ông Thường, trước đây, thành phố xử lý vấn đề này còn "mon men", theo cách "nhìn dư luận" nhưng đã đến lúc phải đối diện với vấn đề này.
“Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ "thả rông" như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông. Phải có chế tài cao hơn để giải quyết vấn đề này", ông Thường nói.
Mới đây, Hà Nội cũng lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024.
Theo đó, Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện ở khu vực mật độ dân cư cao, không khí ô nhiễm, có điều kiện hạ tầng để áp dụng tiêu chuẩn cao hơn về phát thải giao thông.
Trao đổi với VietNamNet về sự gia tăng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông ở Hà Nội, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình (Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản tại Việt Nam) cho rằng mỗi nước có cách quản lý phương tiện cá nhân khác nhau.
Những năm 2010 - 2013, chính quyền TP Yangon (Myanmar) cấm không cho xe máy đi vào trung tâm thành phố dù phương tiện giao thông công cộng ở đây còn khá hạn chế. Dù đã có xe buýt nhưng chất lượng dịch vụ kém, xe cũ nát, tần suất phục vụ không cố định theo giờ. Vậy là, thay vì xe máy, ô tô ở thành phố này gia tăng nhanh chóng, gây ùn tắc trên nhiều tuyến phố.
Ngược lại, ở Trung Quốc, bên cạnh việc áp dụng một số biện pháp hành chính mạnh ở một số đô thị lớn, không cho phép xe máy lưu hành, nhưng quốc gia này đã triển khai xây dựng rất nhiều mạng lưới giao thông công cộng đô thị. Cách thức này đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, từ đó hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Tương tự ở Nhật Bản, Đài Loan, họ dành cho người dân quyền lựa chọn nhiều hơn. Ví dụ như ở Nhật Bản, việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khá phiền toái và tốn kém. Nếu dùng xe máy, ô tô đi làm, muốn tìm được chỗ đỗ cố định, lâu dài thì mức chi phí gửi xe cao hơn nhiều so với đi tàu điện. Vì thế, người dân đất nước này đã lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn.
Cấm phương tiện cá nhân có giúp giảm ùn tắc?
TS. Phan Lê Bình cho rằng, ùn tắc giao thông ở Hà Nội xuất phát từ nhu cầu giao thông rất lớn và khả năng đáp ứng của hệ thống giao thông. Khả năng đáp ứng ở đây gồm mạng lưới đường bộ và mạng lưới đường sắt.
“Hiện nay đường sắt đô thị còn rất thiếu, duy nhất tuyến Cát Linh - Hà Đông hoàn chỉnh, tuyến Nhổn - ga Hà Nội mới chỉ đưa vào khai thác đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Trong khi đó, năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông công cộng so với nhu cầu đi lại của người dân còn thiếu”, TS. Phan Lê Bình phân tích.
Theo thống kê, hàng năm ngoài gia tăng dân số một cách tự nhiên còn hàng trăm nghìn người nhập cư vào Hà Nội, trong khi mạng lưới đường không thể mở rộng mãi.
Chính vì thế, một chuyên gia giao thông dự báo việc ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh chúng ta chưa xây dựng được nhiều hệ thống đường sắt đô thị.
“Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa đó là quá trình ô tô hóa nhanh. Khi ô tô ra đường thì mức độ ảnh hưởng đến tắc đường cao hơn xe máy rất nhiều”, vị chuyên gia này bày tỏ.
TS. Phan Lê Bình cho rằng Hà Nội muốn quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông thì buộc phải đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, trong đó chủ yếu là đường sắt trên cao.
“Song song với việc làm đường sắt đô thị, thành phố nên dành làn đường riêng cho xe buýt, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Dù người dân vẫn hay phản đối việc dành làn đường riêng cho xe buýt nhưng nếu chúng ta không có phần đường riêng cho giao thông công cộng thì mức độ phụ thuộc vào xe cá nhân sẽ ngày càng cao. Như vậy mức độ ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn mà không thể giải quyết được”, TS. Phan Lê Bình nhấn mạnh.
TS. Phan Lê Bình nhận định, sẽ không ổn nếu chống ùn tắc bằng cách cấm hay hạn chế phương tiện cá nhân. Bởi vì không ai thích ùn tắc, chỉ là người dân cần phải đi lại cho nên họ buộc phải hòa mình vào dòng người đang kẹt cứng. ''Đâu có ai thích thú lao vào đám ùn tắc để rồi đứng chôn chân hàng giờ hít khói bụi?'', ông Bình nói.