Vị tướng nhiều lần ‘vượt rào’ và câu chuyện bảo vệ cán bộ
Thứ ba, 16/05/2023 06:38
Vị tướng nhiều lần ‘vượt rào’ và câu chuyện bảo vệ cán bộ
Quyết định nổ súng trước giờ G
Là vị tướng trận mạc, có trận đánh ông đã quyết định nổ súng trước khi có lệnh của cấp trên, việc này cụ thể thế nào thưa Thượng tướng?
Đó là trận đánh mở màn trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Khi đó, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 (Mặt trận B5). Trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ của trung đoàn chúng tôi là đánh tiêu diệt khu vực điểm cao 544 (Phu Lơ) và Đồi Tròn, mở cửa hướng Bắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Quảng Trị.
Đêm 29/3/1972, tôi được lệnh đưa Tiểu đoàn 3 - tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 27 và hai đại đội tăng cường bí mật tiếp cận, chiếm lĩnh tuyến hành lang từ cầu Thiện Xuân đến điểm cao 322, sẵn sàng chặn đánh Sư đoàn 3 của địch.
9h sáng ngày 30/3/1972, địch đưa một số lực lượng đi trước. Chúng tôi chờ đến khoảng 10h30 thì cũng là lúc toàn bộ đội hình địch lọt vào trận địa phục kích. Theo mệnh lệnh hiệp đồng của Bộ Tư lệnh chiến dịch, giờ nổ súng toàn mặt trận là 11h30. Như vậy còn 1 giờ nữa nhưng tôi thấy đây là thời cơ rất tốt để có thể tiêu diệt tiểu đoàn địch.
Tôi báo cáo Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm xin được nổ súng trước giờ G, đồng thời ra lệnh nổ súng. Trong thế trận chủ động, chỉ trong 45 phút, Tiểu đoàn 3 và các đơn vị phối thuộc đã làm chủ hoàn toàn khu vực phía đông nam căn cứ Phu Lơ và Đồi Tròn.
11h30 ngày 30/3/1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh nổ súng chiến đấu hiệp đồng trên toàn mặt trận. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận mở màn.
Tại sao Thượng tướng lại ra quyết định nổ súng trước giờ G và sau đó cấp trên có ý kiến gì về việc này?
Tôi xác định thế trận thuộc về ta, thời cơ đã cho phép nổ súng để tiêu diệt gọn tiểu đoàn này. Lúc này phải đánh nhanh, diệt gọn, cắt hẳn con đường xe tăng lên Phu Lơ, làm chủ hoàn toàn khu vực 322 và 288 để đưa lực lượng xuống đường 9. Nếu để địch điều xe tăng lên thì sẽ gây khó khăn cho chúng ta. Phải đẩy nhanh tốc độ trận đánh, kiên quyết xóa sổ tiểu đoàn 3 của địch ngay ở khu vực này.
Sau trận đánh, tôi được báo cáo với Trung đoàn trưởng và Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn. Tư lệnh hỏi tôi tại sao lúc đó quyết định nổ súng mà quy định còn 1 giờ nữa.
Tôi thưa rằng, thời cơ đã đến và điều kiện cho phép có thể tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch, góp phần vào thắng lợi chung. Tôi vừa báo cáo vừa ra lệnh cho nổ súng và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tư lệnh nói như thế là tốt và đánh thắng nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, rằng người chỉ huy ở chiến trường phải quyết đoán và dám đánh, quyết đánh trong điều kiện có thể chiến thắng.
Vị chánh thanh tra bảo vệ cán bộ
Nghe nói, sau này cũng có lần Thượng tướng từng ‘vượt rào’ trong thời bình?
Đầu những năm 80, tôi sang Liên Xô và học tập tại Học viện quân sự cao cấp. Hoàn thành khóa học, tôi nhận nhiệm vụ tại Quân đoàn I và trở lại làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390.
Khi ấy tôi 34 tuổi, anh em trong sư đoàn rất đông, phần lớn đều từ chiến trường về, đời sống vô cùng khó khăn. Tôi xin đất quyết định lập làng đồng bằng, xin ruộng để trồng lúa, nuôi vịt và nuôi bò, chia cho gia đình anh em cán bộ khó khăn tăng gia sản xuất. Rồi tôi cho anh em đi khai thác than, khai thác luồng làm đường, xin xi măng về xây dựng doanh trại…
Nhiều người có điều tiếng, Bộ Quốc phòng thành lập đoàn kiểm tra và kết luận động cơ của tôi là vì anh em cán bộ, tôi không hề có mảnh đất nào, lợi ích nào trong đó.
Người bảo vệ tôi (bây giờ anh ấy đã mất) là trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng - anh Nguyễn Hữu An. Bấy giờ anh An là Chánh thanh tra đoàn kiểm tra. Từ rất nhiều báo cáo, anh An đã đưa ra kết luận về trường hợp của tôi. Đoàn kiểm tra kết luận, chủ trương và cách làm của tôi rất tốt, đạt hiệu quả cao, nhưng cần chú ý quản lý chặt chẽ cấp dưới không để họ lợi dụng làm sai hay gây lãng phí.
Đừng đổ lỗi cho cơ chế
Thưa Thượng tướng, thời gian qua, rất nhiều đại án tham nhũng bị phanh phui và xử lý mạnh tay. Nhiều người vui mừng nhưng có một số người coi đây là lý do dẫn đến thực trạng một số cán bộ co cụm lại, không dám nghĩ, dám làm, dám quyết. Thậm chí những việc đơn giản cũng đùn đẩy vì sợ trách nhiệm. Ông suy nghĩ thế nào về việc này?
Chiến dịch chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã và đang có tác dụng rất lớn, đặc biệt là trong việc ngăn chặn những hành vi vi phạm về kỷ cương, kỷ luật trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chiến dịch chống tham nhũng được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Cần phân biệt rõ, trong tất cả các vụ án vừa qua có một vấn đề đặt ra là, những cá nhân, đơn vị trong hay ngoài Nhà nước nếu đặt lợi ích quốc gia lên trên, đặt kết quả tập thể lên trên cá nhân thì kể cả có vi phạm cũng không dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Nói một cách hết sức thẳng thắn là những người vi phạm trong các đại án ấy phần lớn là do vấn đề nhận thức. Cụ thể, họ không xác định rõ ràng trách nhiệm đối với đất nước. Họ đặt lợi ích ngược lại, cá nhân rồi mới tới tập thể và đất nước.
Tôi quan sát các vụ việc còn nhận thấy một điều quan trọng là văn hóa. Từ các đại án, người ta đổ lỗi cho cơ chế nhưng tôi nghĩ điều quyết định là con người, văn hóa của người đó. Tại sao trong cùng cơ chế ấy, vẫn có những con người tốt, doanh nghiệp tốt? Cơ chế chỉ là một phần, còn quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn và trách nhiệm của con người đó với đất nước, với dân tộc.
Nếu thực sự toàn tâm, toàn ý phụng sự đất nước, trong quá trình làm việc hay quản lý có thể có thiếu sót hoặc do cấp dưới lợi dụng nhưng nếu bản thân không vụ lợi, không động tới của công thì cũng chỉ bị xử lý theo kiểu khác. Người có văn hóa, có tầm nhìn, có bản lĩnh chắc chắn sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực.
Theo Thượng tướng, việc một số cán bộ co cụm, không dám nghĩ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ảnh hưởng thế nào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhất là khi chúng ta đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch?
Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước trên mọi mặt trận, từ kinh tế đến cả an ninh quốc phòng. Tôi cho rằng phải có một cơ chế bảo đảm cho người có trách nghiệm để họ phát huy sức sáng tạo và năng lực, góp phần vào sự phát triển chung.
Xin đặt ngược lại vấn đề, thưa Thượng tướng, nếu họ dám nghĩ, dám làm thì cơ chế nào bảo vệ, khuyến khích họ, thúc đẩy họ đưa ra các ý tưởng và cách làm mới?
Tôi nghĩ việc này cả Đảng và Nhà nước cần vào cuộc, tìm ra cách thức hợp lý dựa trên sự nghiên cứu và chắt lọc từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới để vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ Israel, một quốc gia khởi nghiệp, nơi từng người dân đều thấm nhuần tư tưởng chấp nhận thất bại và không sợ thất bại. Chính là bởi họ đặt lợi ích đất nước, dân tộc, lợi ích cộng đồng lên trước và họ được bảo vệ.
Cần phải thống nhất, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tạo niềm tin cho cán bộ quản lý, khuyến khích họ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Xin cảm ơn Thượng tướng!