Việt Nam - Morocco: Tấm gương về tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức

Việt Nam - Morocco: Tấm gương về tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 192/193 nước trên thế giới, nhưng quan hệ giữa Việt Nam và Morocco có một lịch sử đặc biệt. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập năm 1961, nhưng quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Morocco đã hình thành từ lâu. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trong đầu những năm 50 của thế kỷ trước đã đưa hai dân tộc xích lại gần nhau.

Morocco nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, còn được gọi là Morocco thuộc Pháp từ năm 1912 đến năm 1956. Năm 1950, Pháp đã bắt nhiều thanh niên Morocco đi lính sang chiến trường Việt Nam để chuẩn bị cho các trận đánh lớn của Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Họ đều xuất thân từ những tầng lớp nghèo khổ trong xã hội, buộc phải lên đường vì miếng cơm manh áo, kiếm sống cho bản thân và gia đình. 

Cổng Việt Nam tại Morocco - công trình đậm nét văn hóa Việt Nam. Ảnh: Báo Quốc tế

Khi những người lính Morocco đến Việt Nam cũng là lúc bùng nổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc tại Morocco. Trong thời gian ở Việt Nam, đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho những người lính Morocco. Phần lớn họ đã ra hàng hoặc chạy sang hàng ngũ bộ đội Việt Minh tham gia chống lại quân Pháp xâm lược.

Các chiến sỹ Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được lệnh không bắn giết những người lính Morocco và Bắc Phi vì họ cũng xuất thân từ giai cấp lao động nghèo khổ, không thù hằn gì với Việt Nam. Những hàng binh Morocco kể lại rằng, trong các trận chiến đấu khi buộc phải nổ súng vào bộ đội Việt Nam, họ tìm cách tránh bắn giết họ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người lính Morocco đã ở lại Việt Nam. Chính phủ Hồ Chí Minh đã dành cho họ một khu đất màu mỡ dưới chân núi Ba Vì để họ làm ăn, sinh sống. Một nông trường được thành lập lấy tên là “Nông trường Việt Phi”, tiếp nhận hơn 300 hàng binh Bắc Phi, phần lớn là người Morocco và hơn 100 công nhân Việt Nam để khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt. Những người này đã kết hôn, lập gia đình với các phụ nữ Việt Nam và sinh ra một thế hệ mang trong mình dòng máu Việt Nam và Morocco.

Để hướng về quê hương và đỡ nhớ nhà, đồng thời để biểu thị tình yêu đối với hoà bình, ghi lại một dấu ấn, một biểu tượng đẹp đẽ về quan hệ hữu nghị giữa Morocco và Việt Nam, trong thời gian từ năm 1956-1960 những người Morocco sống tại đây đã xây dựng một cổng làng theo phong cách kiến trúc Morocco gọi là "Bab Al-Maghariba".

Năm 2018, hai nước Việt Nam và Morocco đã hợp tác tu bổ lại công trình này, coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc phải được gìn giữ. Các cơ quan hai nước đang có kế hoạch đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận "Cổng Morocco" là di sản văn hoá thế giới.

Năm 1972, theo chỉ thị của vua Hassan II, chính phủ Morocco đã đưa những cựu chiến binh Morocco và toàn bộ gia đình họ về nước. Vua Hassan II dành cho họ một vùng đất màu mỡ ở vùng Sharardat Bini Hussein miền Tây Morocco. Một ngôi làng Việt Nam được mọc lên.

Để các bà mẹ Việt và các con hướng về quê hương, một “Cổng Việt Nam” cũng đã được xây dựng và khánh thành trọng thể năm 2022 với sự tham gia của các quan chức cấp cao hai nước. Tại Morocco, ngôi làng Việt Nam rất được trân trọng, coi đây là cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Cổng Morocco tại Ba Vì (Hà Nội) là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Morocco. Ảnh: Đại sứ quán Morocco

Để gìn giữ và tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, năm 2017 Hội hữu nghị Morocco - Việt Nam được thành lập do tiến sỹ El Mostafa Al Ktiri, Chủ tịch Cao ủy những người kháng chiến cũ và cựu thành viên quân giải phóng Morocco làm Chủ tịch. Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng có mối quan hệ thân thiết với Hội Cựu chiến binh Morocco. Ông El Mostafa El Ktiri cho biết, Hội đang biên soạn cuốn sách viết về những điểm chung của Morocco và Việt Nam nhằm giới thiệu cho thế hệ mai sau của Morocco hiểu hơn về lịch sử hai nước. 

Trước đó, ông Abdallah Saaf, giáo sư trường Đại học Mohammed 5 của Morocco, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội (CERSS) thuộc Đại học này đã dành 7 năm đi tìm kiếm thông tin để viết cuốn sách “Chuyện Anh Mã” được Nhà xuất bản L’Harmattan của Pháp xuất bản năm 1999 về các hoạt động của ông Mohammed Ben Aomar Lahrech được đảng Cộng sản Morocco cử sang Việt Nam để tập hợp, gây dựng phong trào vận động những người lính Morocco và Bắc Phi ra hàng quân đội Việt Minh.

M. Lahrech không chỉ sát cánh chiến đấu bên những người lính Cụ Hồ mà còn có công lớn trong việc vận động, tuyên truyền và giác ngộ chính trị để những người lính Morocco và Bắc Phi hạ vũ khí đầu hàng đi theo Việt Minh. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt năm 2018, coi đây là tác phẩm ghi lại một phần lịch sử trong quan hệ tốt đẹp giữa Morocco và Việt Nam. 

Ông Mohammed Ben Aomar Lahrech (thứ ba từ trái sang) được Bác Hồ đặt tên khi sang Việt Nam là “Anh Mã”, chụp ảnh cùng với các chiến sĩ quân đội Việt Nam tại Điện Biên Phủ.

Năm 2021, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Morocco cũng được thành lập do ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Chủ tịch. Việc Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Morocco được thành lập và đi vào hoạt động là một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Morocco, là cầu nối thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại giữa hai nước.

Quan hệ Việt Nam - Morocco được hình thành trong lịch sử đấu tranh chung của hai dân tộc chống chủ nghĩa thực dân là di sản vô cùng quý báu sẽ mãi mãi được gìn giữ. Đây không chỉ là mối quan hệ mang tính nhân văn giữa Việt Nam và Morocco, mà còn là tấm gương về tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Cách luộc gà cúng ông Công ông Táo vàng ươm, không bị thâm cổ

Cách luộc gà cúng ông Công ông Táo vàng ươm, không bị thâm cổ

Dự báo thời tiết 19/1/2025: Miền Bắc vẫn chìm trong giá rét, có mưa vài nơi

Dự báo thời tiết 19/1/2025: Miền Bắc vẫn chìm trong giá rét, có mưa vài nơi

Diễn viên Diệu Hương trang hoàng biệt thự ở Mỹ đón Tết

Diễn viên Diệu Hương trang hoàng biệt thự ở Mỹ đón Tết