Vụ 600 học sinh trường Ischool ngộ độc, những ai phải chịu trách nhiệm?
Thứ bảy, 26/11/2022 05:49
Vụ 600 học sinh trường Ischool ngộ độc, những ai phải chịu trách nhiệm?
Công an Khánh Hòa đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm xảy ra tại trường Ischool Nha Trang.
Từ ngày 17/11 - 22/11, các bệnh viện tiếp nhận 600 học sinh, giáo viên trường Ischool Nha Trang ngộ độc sau bữa ăn bán trú tại trường, có trường hợp tử vong. Bữa ăn gồm các món: cơm gà, sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh, dưa leo...
Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk cho hay, quá trình điều tra sẽ có nhiều giai đoạn với quy trình rõ ràng. Trong vụ án trên, công an sẽ giám định mẫu thử, mẫu phẩm của thức ăn thu thập được, cùng dịch vị, mẫu máu trong bệnh nhân bị ngộ độc và cả người đã tử vong.
Qua các chứng cứ thu thập được một cách chính xác, cơ quan điều tra khi ấy mới đưa ra kết luận ngộ độc với lý do gì và nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong. Tuy nhiên, vụ việc trên mới khởi tố vụ án, nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm việc với những người liên quan, như phía nhà trường, cơ sở cung cấp thức ăn bán trú, bếp ăn để làm rõ.
Luật sư Tòng đưa ra giả thiết, trường Ischool ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn là hộ kinh doanh của ông Bùi Phúc Lam, 40 tuổi, các bên liên quan bị yêu cầu cung cấp các tài liệu phục vụ điều tra.
Trong đó, đơn vị cung cấp suất ăn sẽ phải trưng ra được nguồn gốc thực phẩm, thức ăn được nấu chín đưa tới trường hay là chế biến tại chỗ, ai là người chế biến...
Khi xác định chính xác nguyên nhân ngộ độc từ phía cơ sở này và trong hợp đồng thể hiện rõ ràng là nhà trường không tổ chức nấu hay cung cấp nguyên liệu mà do ông Lam thực hiện thì cơ sở này phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Trường hợp khác, nếu trường Ischool khi ký kết hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn không nêu rõ các điều khoản hay chứng minh cơ sở trên hoàn chủ động, tự nhập nguyên liệu để chế biến thức ăn, thì trường cũng chịu trách nhiệm với cơ sở nấu ăn. Nếu trường chỉ cung cấp bếp ăn thì cũng bị liên đới trách nhiệm, tùy vào yếu tố sự việc và dấu hiệu sai phạm (nếu có) để cơ quan điều tra đưa các hành vi.
Theo luật sư Tòng, trong vụ án này sẽ có nhiều giai đoạn. Vì thế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng giai đoạn, để xác định vi phạm dấu hiệu phạm tội cụ thể của từng cá nhân liên quan, từ đó có đủ cơ sở khởi tố bị can và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có).
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, vụ ngộ độc thực phẩm đã khiến hàng trăm học sinh nhập viện, một trẻ chết. Đây là sự kiện pháp lý, xác định có dấu hiệu tội phạm, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” là phù hợp theo đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 317 Bộ luật hình sự 2015.
Theo luật sư Đức, quyết định khởi tố vụ án là cần thiết, theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Từ cơ sở trên, Cơ quan điều tra tiếp tục xác định nguyên nhân dẫn đến hành vi gây ngộ độc và dẫn tới có trường hợp tử vong. Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ xác định có hay không hành vi có dấu hiệu trái pháp luật của các tổ chức cá nhân liên quan dẫn đến hậu quả nói trên, để có căn cứ khởi tố bị can.