Nhận tin 'cháy to anh em ơi', những chiến thần ba gác đặc biệt xuất quân thần tốc
Chủ nhật, 17/09/2023 06:41
Nhận tin 'cháy to anh em ơi', những chiến thần ba gác đặc biệt xuất quân thần tốc
Hình ảnh vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 1/12/2020, ngọn lửa lớn bốc lên nhiều giờ đã thiêu rụi hàng chục lán xưởng ở xã Hữu Bằng
Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) được biết đến là làng nghề mộc truyền thống với hơn 1.500 hộ chuyên sản xuất các đồ mộc dân dụng, lán xưởng mọc lên san sát, mặt bằng sản xuất chật hẹp, mật độ dân số cao. Trong các lán xưởng lưu trữ số lượng lớn các nguyên vật liệu dễ cháy như sơn, gỗ, xốp... tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy.
Do làng nghề có nhiều ngõ ngách nên xe cứu hỏa chuyên dụng khó tiếp cận nếu xảy ra cháy nổ. Có những vụ cháy, thiệt hại lan ra hàng chục lán xưởng, thiêu rụi toàn bộ cơ nghiệp của nhiều gia đình. Do vậy, bà hỏa luôn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Vài năm gần đây, người dân xã Hữu Bằng hoàn toàn yên tâm với một sáng kiến độc đáo, hiệu quả trong công tác PCCC.
Xe chữa cháy mini lưu động - gợi ý từ công an xã
"Năm 2021, các anh công an chính quy được điều động về xã. Nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, các anh gợi ý chúng tôi hoán cải những chiếc xe ba gác chở hàng quen thuộc của làng trở thành những xe PCCC mini, xây dựng lực lượng PCCC ngay tại các thôn xóm”, ông Phan Lạc Sang (SN 1960) - trưởng thôn Sen, xã Hữu Bằng cho biết.
Những chiếc xe chữa cháy nhỏ gọn có bề rộng 1,2m nhanh chóng có mặt tại hiện trường hỗ trợ lực lượng PCCC khống chế đám cháy
Xe chữa cháy mini vốn dĩ là xe ba gác chuyên chở gỗ, đồ nội thất được người dân xã Hữu Bằng cải tạo thành. Trên mỗi xe được trang bị máy bơm công suất lớn, vòi phun nước, téc nước, kìm cộng lực, búa thang... hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn khẩn cấp.
Ông Sang kể: “6-7 năm trước, chúng tôi đã tự trang bị những máy bơm áp lực cao để xử lý các vụ cháy nhỏ trong làng. Nhưng từ khi làm mô hình tổ chữa cháy lưu động, hiệu quả PCCC rất đáng kể. Chi phí đầu tư cho mỗi xe hơn 100 triệu đồng, được huy động hoàn toàn từ người dân”.
Khi nhận được thông tin báo cháy từ bà con, dù đang làm dở việc gì, các thành viên đội PCCC thôn Sen đều gác lại và nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Bởi họ biết, giờ vàng để dập được hỏa hoạn là ngay từ 5-10 phút đầu khi lửa bùng phát. Chỉ cần tối thiểu 3 người đã có thể vận hành hệ thống PCCC mini ngay tại chỗ.
Chiếc xe nhỏ gọn, thô sơ nhưng rất hiệu quả trong việc PCCC tại địa phương. Với thao tác thành thục, các tổ viên tổ PCCC lưu động nhanh chóng vận hành máy bơm, vòi hút... dập tắt những đám cháy vừa mới bùng lên. “Chúng tôi có thể phun nước lên tới tầng 5 các ngôi nhà”, ông Sang nói.
Xây bể nước ngầm dọc đường làng
“Cách đây mấy năm, tự tay tôi viết đơn xin chính quyền xã cho làm bể nước ngầm dưới trục đường làng. Chúng tôi huy động kinh phí từ người dân. Vì mục đích PCCC lâu dài, chúng tôi làm bể nước rất kiên cố, ô tô tải trọng lớn đi qua thoải mái. Kinh phí hơn 300 triệu đồng cho mỗi bể nước nhanh chóng được huy động từ bà con trong thôn", anh Phan Văn Dũng (SN 1977) - tổ trưởng tổ PCCC lưu động thôn Sen cho biết.
Mỗi chiếc bể kích thước bề ngang hơn 1m, dài từ 30-50m dọc đường làng, có sức chứa 50 - 60 khối nước. Trong bể dự trữ đầy nước sạch, luôn sẵn sàng tiếp ứng cho các xe PCCC khi cần thiết.
100% thành viên đội chữa cháy lưu động là các chủ doanh nghiệp
Đội PCCC lưu động thôn Sen có 8 người, đều là chủ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại địa phương. Định kỳ mỗi tháng 1 lần, toàn đội sẽ gác lại mọi việc riêng, cùng nhau ra đình làng tập luyện các kỹ năng PCCC dưới sự hỗ trợ của lực lượng công an chính quy địa phương.
"Chúng tôi tập cách vận hành xe, máy để thực hành các kỹ năng vận hành máy móc sao cho thành thục. Vừa tập dùng trang thiết bị, nhân tiện làm sạch sân đình chùa cho dân làng”, ông Sang nói.
Từ khi thành lập tổ PCCC lưu động, tổ trưởng tổ phó được Nhà nước hỗ trợ mỗi người hơn 1 triệu đồng/tháng nhưng các anh không cất làm của riêng mà dùng số tiền đó để toàn đội bồi dưỡng sau mỗi lần tập luyện.
"Các thành viên đội PCCC lưu động làm việc hoàn toàn từ tâm, bởi chúng tôi quan niệm cháy nhà người ta cũng như cháy nhà mình. Chúng tôi rất tự hào khi góp phần vào việc dập tắt các đám cháy tại thôn xóm", ông Sang nói.
Trước kia, mỗi năm có hàng chục vụ cháy trong làng. Các lán, xưởng toàn đồ dễ cháy nên mỗi khi phát hỏa thì tốc độ cháy rất nhanh. Thường mất đến 15 phút, xe của đội PCCC chuyên nghiệp mới có thể len được vào làng. Khi đó, đám cháy đã rất lớn, lan sang nhiều nhà bên cạnh, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nhưng từ khi có đội PCCC lưu động, số vụ cháy giảm chỉ còn 1-2 vụ mỗi năm.
"Chúng tôi rất tự hào khi giúp người dân dập tắt hỏa hoạn ngay từ đầu. Giữ gìn được lán xưởng là giữ gìn được cơ nghiệp của họ. Giúp bà con hàng xóm cũng chính là giúp chúng tôi", anh Dũng tâm sự.
Vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đêm 12/9 khiến anh Dũng tiếc nuối: "Giá như ở gần đó, chúng tôi đã có thể góp phần khống chế được ngọn lửa, giảm thiệt hại".
"Xe chữa cháy mini của chúng tôi hoàn toàn có khả năng tiếp cận các ngôi nhà nhỏ, sâu trong ngõ ngách. Tổ PCCC lưu động thực sự rất hiệu quả. Chúng tôi mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng tới các làng nghề, các địa phương khác. Quan trọng nhất là nâng cao khả năng và ý thức chủ động PCCC của bà con nhân dân", ông Sang chia sẻ.
Thiếu tá Vũ Ngọc Tân - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện Thạch Thất cho biết: "Mô hình xe PCCC mini và tổ PCCC lưu động hoạt động rất hiệu quả.
Hiện toàn xã Hữu Bằng có 3 xe hoán cải chữa cháy, 1 xe téc nước, gần 40 máy bơm và hàng trăm bể nước từ 30-50 khối dưới lòng đường. Từ đầu năm tới nay xảy ra 20 sự cố cháy, 3-4 vụ nhỏ đã được người dân xử lý ngay ban đầu với sự giúp sức của lực lượng PCCC lưu động".
Ảnh, clip: NVCC